Những trận bom B-52 tàn khốc trút xuống Hà Nội và dọc tuyến đường Trường Sơn hay hàng triệu lít chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã đổ xuống miền Trung và Nam Việt Nam, đều không thể ngăn được bước tiến như vũ bão của quân giải phóng tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay khắp thành phố mang tên người đã lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám thành công và đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, cách đây vừa tròn 70 năm.
Cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử đã kết thúc, nhưng hậu quả mà nó để lại là hàng triệu người đã hy sinh, biết bao người Việt Nam khác phải gánh chịu di chứng chất độc da cam, đồng thời hàng triệu người khác đã phải rời bỏ quê hương, tìm con đường mưu sinh nơi miền đất khác… Tuy nhiên, việc bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington năm 1995 đã đưa đến một bước ngoặt lịch sử mới, và từ đây người ta thường nói về việc thống nhất đất nước hơn là nhấn mạnh vào thắng lợi của một cuộc chiến tranh. Việt Nam ngày nay đã vươn lên từ đống tro tàn và trở thành một trung tâm phát triển với sự tăng trưởng không ngừng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này đã đạt mức tăng trưởng 6,5% và đến cuối năm nay ngành du lịch nước này có thể vượt qua con số hơn 7 tỷ USD thu được trong năm trước.
Nét hiện đại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển. |
Có thể hình dung sự phát triển và những bước tiến của đất nước Việt Nam ngay khi bước chân lên máy bay của Hàng không Việt Nam trên đường bay từ Paris đến Thành phố Hồ Chi Minh. Thật vậy, chuyến bay không còn một chỗ trống, hầu hết là khách nước ngoài, đi du lịch hoặc đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, hợp tác. Đặt chân tới Việt Nam, người ta thấy ngay nhịp sống mới: Các loại điện thoại thông minh, iphones đời mới nhất, máy tính bảng, laptop quá ư phổ biến ở đây, cũng giống như mấy chục năm trước khi tôi đã từng đến đây và chứng kiến từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau cùng với các loại xe xích lô, xe máy đời cũ, những chiếc ô tô tải cũ kỹ tràn ngập đó đây…
Những ngày này của năm 2015, đâu đâu trên đất Việt Nam người ta cũng nghe nói đến kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Cách mạng tháng Tám và ngày Chủ tịch Hồ Chi Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ mấy tháng nay, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, cờ đỏ tung bay và biểu ngữ, áp phích trên khắp các ngả đường. Nhà biểu diễn múa rối nước Thăng Long có hẳn một chương trình riêng trong dịp này. Các sĩ tử mùa thi cử đổ về Văn Miếu Quốc tử giám, nơi được coi là trường đại học quốc gia đầu tiên ở Việt Nam, để tìm vận may, trong khi từng đoàn người và xe đổ về các ngả đường tìm cách ra khỏi thành phố trong kỳ nghỉ nơi miền biển hay trên các vùng núi cao.
Người Việt Nam dù họ Lê, họ Nguyễn hay Hoàng, Trần, Ngô, Đỗ, tên có thể là Minh, Thanh, Hòa, Bình hay Hoa, Nga, Huyền, Phương, Thảo… ai ai cũng đều hướng tới một chuẩn mực quốc tế mới trong việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa, tôn trọng các quốc gia và chủ quyền dân tộc. Một bạn gái tên Hoan cho biết: Kỷ niệm ngày chiến thắng là một dịp nâng cao lòng tự hào dân tộc và cô cũng hy vọng các du khách ngày càng hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Có thể thấy người Việt Nam dù già hay trẻ đều mong muốn phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho chính bản thân và gia đình họ cũng như cho cộng đồng. Nhiều người Việt Nam ngày nay quan tâm đến sự bùng nổ về du lịch và không ít người biết đến đầu tư nước ngoài và cả đến đầu tư trực tiếp nước ngoài và dẫn chứng con số của năm 2014 là 3 tỷ USD!
Sài Gòn trước kia hay Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay không ngại cho người ta thấy sự thật cả từ hai phía: Kia là khu địa đạo Củ Chi với những ngôi nhà trông bình thường thế nhưng phía dưới là những căn hầm dẫn xuống những đường hầm ma trận. Đó là tòa lâu đài của Phủ Tổng thống trước đây, nơi có sân bay trực thăng từng đỗ xuống chở đi các quan chức của chế độ cũ. Kia nữa là Khách sạn Rex nơi lính Mỹ và cánh phóng viên chiến tranh ngoại quốc thường đến đó hưởng lạc và săn tin, và tiếp đón họ có khi là một biệt động quân tóc dài Việt Công giả danh mà họ không thể nào biết được…
Không phải là lần đầu tôi trở lại Việt Nam, nơi tôi đã từng ở và làm việc trong suốt 3 năm cuối thập kỷ 1970 của thế kỷ trước. Tôi từng trú ngụ ở khách sạn Thống Nhất, nơi có căn hầm tránh máy bay mà chiến sĩ hòa bình nổi tiếng Juan Baez cùng nhiều người bạn ủng hộ Việt Nam đã từng trú ẩn, nay là khách sạn 5 sao Metropole, và căn hầm trở thành nhà bảo tàng. Đó là những năm tháng thiếu thốn đủ thứ, người ta phải mua bán bằng tem phiếu, và cửa hàng mậu dịch thì chẳng có hàng hóa gì nhiều ngoài một vài thứ đồ do Liên Xô sản xuất. Đó là cửa hàng bách hóa Tràng Tiền, nay là Tràng Tiền Plaza, đối diện Hồ Gươm. Đến thập kỷ 80 cũng không có gì hơn, đất nước còn chưa ra khỏi cơn ác mộng chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó. Đến những năm đầu thập kỷ 1990 Việt Nam mới dần ra khỏi sự cô lập trên trường quốc tế sau những quyết định quan trọng của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 năm 1986. Đó là thời kỳ bắt đầu chương trình đổi mới, mở cửa kinh tế ra thế giới đang ở vào giai đoạn toàn cầu hóa.
Bước vào thiên niên kỷ mới, Việt Nam đã là một đất nước có nền kinh tế trỗi dậy với mức tăng trưởng mạnh mẽ và thu nhập theo đầu người là 998 USD/tháng.
Các nguồn đầu tư tăng nhanh, các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thay đổi từng ngày. Tất cả các tỉnh khác của Việt Nam cũng phát triển không ngừng, các ngành công nghiệp, bưu chính viễn thông, cơ khí, khách sạn nhà hàng liên tục được mở rộng. Người ta cũng nói tới Việt Nam như là một điểm hút vốn đầu tư, mở ra nhiều cơ hội cho giới doanh nghiệp bởi vì đây là nơi có thể tận dụng được nguồn nhân công dồi dào và nguồn tài nguyên trù phú.
Ngày nay Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, song những nét đặc trưng của nền văn hóa hàng nghìn năm vẫn được lưu giữ trong đời sống mỗi người dân đất Việt, những ngày lễ Tết các gia đình người Việt Nam vẫn có truyền thống thắp hương để tưởng nhớ tới tổ tiên, cha ông, những chiếc nón lá, những gánh hàng rong vẫn xuất hiện ở những khu phố cổ…