Ngoại giao Việt Nam đóng góp vào thắng lợi chung của dân tộc

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập ngày 28/8/1945 và chính Người cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, trong 70 năm vừa qua, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn trả lời phỏng vấn.


Về những thành tựu của ngành ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ trong 70 năm đồng hành cùng dân tộc, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ngay sau khi được thành lập, ngoại giao Việt Nam đã có hai đóng góp nổi bật, đó là ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và ký Tạm ước với Pháp ngày 4/9/1946. Việc làm này đã tạo ra thời gian hòa bình cần thiết để Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ có thể củng cố và chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ tháng 12/1946.
 
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước, ngoại giao Việt Nam có rất nhiều đóng góp quan trọng mà hai thời điểm nổi bật đó là đàm phán ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 đem lại hòa bình cho Việt Nam và Đông Dương và đặc biệt là cuộc đàm phán marathon kéo dài để ký kết Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Theo Đại sứ, rất nhiều thế hệ các nhà ngoại giao Việt Nam đã đi thẳng từ chiến khu bưng biền ra bàn đàm phán, nhưng bằng trí tuệ và tài năng của mình, đã làm cho bạn bè trên thế giới phải nể phục và thực sự đã đóng góp rất nhiều để đem lại hòa bình một cách nhanh chóng, chấm dứt chiến tranh, tránh tổn thất về người và của cho đất nước.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước này, ngoại giao Việt Nam đã có đóng góp rất lớn và đem lại nhiều bài học, kinh nghiệm rất quý cho các thế hệ, các nhà ngoại giao non trẻ sau này. Đó là các bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bài học về vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, bài học về phối hợp giữa ba mặt trận: chính trị, ngoại giao và quân sự, bài học “vừa đánh vừa đàm”.

Sau khi nước nhà thống nhất, ngoại giao Việt Nam trở thành mặt trận tuyến đầu, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước trong thời bình. Cho đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước trên 193 nước, có quan hệ kinh tế thương mại với trên 220 nước và vùng lãnh thổ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với trên chục nước. Có thể nói, chưa bao giờ vị thế của Việt Nam lại được củng cố một cách vững chắc và tôn trọng như hiện nay.

Về những đóng góp cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vào thành tựu chung, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ: Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Ngay từ những năm đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có những đóng góp rất tích cực vào cuộc đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam này.

Sau khi đất nước thống nhất, các thế hệ cán bộ ngoại giao công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vẫn luôn phát huy truyền thống đó nhằm giới thiệu hình ảnh Việt Nam trên địa bàn Pháp. Trong các năm 2013 và 2014, Việt Nam và Pháp đã tổ chức năm giao lưu để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đồng thời tăng cường quan hệ mọi mặt giữa hai nước.

Trong những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã triển khai một nền ngoại giao toàn diện trên địa bàn Pháp. Cụ thể về mặt chính trị, Đại sứ quán đóng góp rất nhiều trong việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước.

Hầu hết các lãnh đạo Việt Nam từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội và rất nhiều Bộ trưởng đều đã thăm Pháp. Về phía Pháp, Tổng thống François Mitterand là tổng thống phương Tây đầu tiên đã đến thăm Việt Nam năm 1993. Sau đó, Tổng thống Jacques Chirac đã hai lần đi thăm Việt Nam. Tổng thống François Hollande cũng đang dự kiến có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán đang triển khai rất mạnh công tác ngoại giao kinh tế, bởi vì Pháp là một trong 5 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, là nước có tiềm lực kinh tế mạnh ở châu Âu và cũng có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam. Hiện nay, Pháp cũng là một trong những nhà đầu tư và trao đổi thương mại châu Âu lớn nhất với Việt Nam.


Ngoài ra, Pháp cũng là một trung tâm khoa học kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, trên địa bàn Pháp có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập, chúng ta thực sự muốn Pháp trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao cho Việt Nam. Ngoại giao văn hóa, giáo dục cũng được đẩy mạnh và ngày một tăng cường.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cũng nêu bật sự cần thiết phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với hơn 300.000 người, là cộng đồng có truyền thống gắn bó với quê hương đất nước, có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như là trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay.

Về ngoại giao nhân dân, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh địa bàn Pháp đã chứng kiến phong trào của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Rất nhiều bạn bè Pháp đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Đại sứ nhắc lại những tấm gương tiêu biểu đầy nhiệt huyết gắn bó với cuộc đấu tranh của Việt Nam như anh Henri Martin, chị Raymonde Dien, những người đã phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam.

Theo Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã làm rất tốt công tác tập hợp sự ủng hộ, vận động người dân Pháp đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam trước đây.

Ngày nay, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, Đại sứ quán luôn giữ quan hệ thủy chung với những bạn bè trước đây, đồng thời tiếp tục mở rộng giao lưu với nhân dân Pháp thông qua các cán bộ ngoại giao tại Đại sứ quán, những người Việt Nam sang học tập, công tác, làm việc tại Pháp. Đây thực sự là những sứ giả giúp quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam với người dân Pháp.

Tin, ảnh: Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
70 năm Ngoại giao Việt Nam
70 năm Ngoại giao Việt Nam

Lịch sử ra đời và phát triển của ngành ngoại giao Việt Nam gắn liền với sự ra đời và phát triển của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN