Khách sạn Capella trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa, Singapore - nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: Yonhap |
Ngày 26/5, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên – đăng ngắn gọn thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều trên trang nhất. Kể từ hôm đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên, trong đó có Hãng thông tấn trung ương KCNA, cũng dừng đưa tin về sự kiện, kể cả chuyến thăm kéo dài 4 ngày tại Washington của cựu Tướng tình báo Kim Yong-chol.
Trái ngược hẳn, truyền thông phương Tây theo sát diễn biến công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Chính quyền Washington cũng là bên xác nhận lịch trình hội nghị, công bố hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại khách sạn Capella trên hòn đảo nghỉ dưỡng Sentosa, Singapore vào 9h sáng (giờ địa phương) ngày 12/6.
Quan sát trước thái độ im ắng của Triều Tiên, các chuyên gia nhận định chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang rất cẩn trọng trong việc thông báo những bước đi về phi hạt nhân hóa.
Tờ Korea Times trích lời giáo sư Koh Yu-hwan chuyên nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul nhận định: "Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên nỗ lực để trở thành một quốc gia hạt nhân. Trước khi tuyên truyền hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump với mục đích loại trừ vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ tạo ra một hệ tư tưởng thay thế để ủng hộ việc phi hạt nhân hóa".
Trước đó, trong phiên họp toàn thể Đảng Lao động Triều Tiên tháng 4, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, chuyển sang tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quốc gia này chưa bao giờ đặt ra lịch trình phi hạt nhân hóa.
“Đối với Triều Tiên, việc tuyên bố công khai phi hạt nhân hóa vẫn còn là quá sớm, khi vẫn chưa có kế hoạch chắc chắn nào đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nhà nước. Triển vọng sau hội nghị vẫn còn mơ hồ”, giáo sư Koh giải thích.
Ngoài ra, chiến lược truyền thông hai chiều – vừa giữ im lặng trước người dân vừa tiếp tục các hoạt động ngoại giao chuẩn bị hội nghị - được áp dụng hiện nay có thể là do hệ thống khép kín của Triều Tiên.
Ông Kim Dong-yub – giáo sư trường Đại học Kyungnam – nhận xét: “Triều Tiên thường không tích cực tuyên truyền lịch trình hoạt động thượng đỉnh của lãnh đạo, giống như đợt gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Truyền thông sẽ công bố kết quả cuộc gặp Kim-Trump sau hội nghị. Hiện tại, không có gì nhiều lắm để thông báo cho người dân nước họ".
Trong một diễn biến liên quan, theo phân tích các hình ảnh vệ tinh trên trang mạng 38 North công bố ngày 6/6, Triều Tiên dường như đã dỡ bỏ bệ phóng thử tên lửa tại Iha-ri tỉnh Bắc Pyongan. Cơ sở này thường được dùng để sửa chữa tên lửa, đặc biệt trong quá trình phóng thử tên lửa đạn đạo. Quá trình dỡ bỏ kéo dài từ đầu tháng 5 và hoàn thành vào 19/5.
Nếu như thông tin trên đúng sự thực, thì quá trình dỡ bỏ đó được thực hiện ngay ngày trước sự kiện phá hủy đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của phóng viên quốc tế.