“Chúng ta đang chứng kiến xu hướng ngày càng có nhiều người tự nguyện nộp đơn nghỉ việc vì tình trạng bất ổn. Chương trình tự nguyện thôi việc có thể là bước đi đầu tiên trong việc cắt giảm nhân sự. Chương trình này có thể giữ chỗ cho những nhân viên muốn có tương lai sau này với công ty hoặc cho những người đang cân nhắc thay đổi cuộc đời. Đây là một chương trình rất có giá trị đối với cả người thuê và người làm thuê”, Andrew Challenger, Phó Chủ tịch công ty tuyển dụng Challenger, Gray&Christmas, nhận định.
Ông cùng các chuyên gia khác cho rằng gói trợ cấp thôi việc tự nguyện có thể giúp nhân viên giảm bớt áp lực về mặt tinh thần trong giai đoạn khó khăn.
“Công ty không thích để nhân viên mình ra đi. Và nếu những người đó sẵn lòng tự nguyện rời đi trong êm đẹp, công ty rất có thể mời họ quay trở lại làm việc một khi công việc kinh doanh tiến triển hơn”, ông Andrew lý giải.
Chương trình này cũng giúp công ty giảm được chi phí cho nhân lực thông qua giải pháp khuyến khích những nhân viên cấp cao hoặc được trả lương cao hơn tự xin nghỉ việc. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm thiểu nguy cơ bị kiện cáo hay rắc rối pháp lý từ những người nếu như bị cho thôi việc bắt buộc.
Cho đến nay, các hãng hàng không lớn tại Mỹ đều thông báo kế hoạch cho nhân viên chủ động nộp đơn xin thôi việc để cắt giảm chi phí trong bối cảnh ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Một tháng trước, hãng hàng không American Airlines cho biết 4.500 phi công và tiếp viên của hãng này đã tự nguyện nộp đơn xin thôi việc.
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing thông báo 5.520 nhân viên “chủ động nghỉ việc” gần đây. Tuy nhiên, công ty đang hướng đến việc cắt giảm 16.000 lao động trong năm nay.
Không chỉ các doanh nghiệp hàng không mà các công ty về công nghệ thông tin và tài chính cũng có kế hoạch khuyến khích nhân viên tự nghỉ việc.
Cụ thể, công ty tài chính TIAA xác nhận đơn vị này đang đề nghị gói trợ cấp lương cơ bản kéo dài 91 tuần và hỗ trợ chi phí y tế 18 tháng cho những nhân viên tự giác nghỉ việc.
Công ty đã đề nghị gói hỗ trợ cho 2/3 nhân sự trong tổng số 16.500 nhân viên công ty. Tuy nhiên, công ty mới chỉ nhận được 5-7% nhân sự, tương đương gần 800 người, chấp thuận lời đề nghị.
“Tỷ lệ nhân viên đồng ý nghỉ hưu sớm hay nhận hỗ trợ thôi việc thường chỉ rơi vào khoảng 2-3%. Mọi người chỉ là không sẵn sàng nghỉ việc”, Alex Alonso – người đứng đầu công ty Quản lý Nguồn nhân lực Xã hội – cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, đội quân mất việc làm ít nhất là tạm thời tại nước này do đại dịch COVID-19 đã vượt con số 42 triệu. Theo chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên chính sách, Jared Bernstein, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể ở mức 20% hoặc hơn, gấp đôi mức đỉnh điểm trong cuộc Đại Suy thoái.
Tuy nhiên, trong nửa cuối tháng Năm, thị trường lao động ở Mỹ chứng kiến tín hiệu khởi sắc khi trên 2,5 triệu người ở nước này đã quay lại làm việc trong bối cảnh các hạn chế bắt đầu được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại sau hai tháng đóng cửa vì dịch COVID-19.