Trong một thông điệp trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Maduro khẳng định các chuyên gia và nhân viên kỹ thuật ngành điện lực đang tập trung vào 3 giải pháp chính là tiêu diệt virus xâm nhập hệ thống điều khiển trong vụ tấn công mạng, bảo vệ các đường truyền tải điện bị ảnh hưởng từ cuộc tấn công bằng điện từ và sửa chữa các thiết bị hỏng hóc.
Venezuela liên tục phải hứng chịu các đợt tấn công vào hệ thống điện quốc gia từ hôm 7/3 với các vụ phá hoại nhằm vào hệ thống điều khiển trung tâm ở nhà máy thủy điện Guri khiến cho phần lớn các địa phương trên cả nước bị mất điện trong nhiều ngày liên tục. Caracas cho rằng các sự cố kể trên là các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Hôm 6/4 vừa qua, Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định kết quả điều tra cho thấy các vụ tấn công hệ thống điện lực mà Caracas phải hứng chịu trong thời gian vừa qua xuất phát từ thành phố Houston (Hao Xtơn) của Mỹ, cũng như từ Chile và Colombia.
Các nhóm thực hiện tấn công đã đưa mã độc vào hệ thống điều khiển tự động và phá hoại bằng phương thức điện từ gây mất điện trên diện rộng. Kể từ ngày 31/3, Chính phủ Venezuela đã khởi động kế hoạch tiết kiệm điện trong thời gian 30 ngày nhằm bảo đảm sự cân đối trong quá trình cung cấp và truyền tải điện một cách an toàn, bảo đảm dịch vụ ổn định trên toàn lãnh thổ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/4, Chính phủ Colombia đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này cùng với một số quốc gia khác gây ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống lưới điện lực Venezuela trong thời gian qua.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Colombia khẳng định những cáo buộc của Tổng thống Maduro là thiếu cơ sở, nhằm gây hoang mang dự luận và che đậy cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela. Bên cạnh đó, Colombia nhấn mạnh cam kết có trách nhiệm và hỗ trợ giải quyết tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại quốc gia láng giềng.
Tình hình chính trị - xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này hôm 23/1. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài đứng đằng sau.
Ngay sau đó, Mỹ cùng với một loạt các nước Mỹ Latinh và châu Âu đã công nhận vai trò của ông Guaido, trong khi nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.
Ngày 8/4, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Mỹ Latinh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezueal một cách hòa bình.
Trước đó, ngày 7/2, Nhóm liên lạc quốc tế EU và Mỹ Latinh đã đặt ra thời hạn 90 ngày để tháo gỡ cuộc khủng hoảng và mở đường cho cuộc bầu cử mới tại Venezuela. Ông Borrel cho rằng nhóm liên lạc triển khai công việc quá chậm chạp trong khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến hạn chót.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng đề cập khả năng gia tăng trừng phạt với chính quyền của Tổng thống Maduro. Nhóm liên lạc quốc tế bao gồm 8 quốc gia châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển) và 4 quốc gia Mỹ Latinh (Bolivia, Costa Rica, Ecuador và Uruguay).