Tây Ban Nha đã trao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Gibraltar cho Anh theo Hiệp ước Utrecht năm 1713 nhưng vẫn tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất này. Gibraltar nằm ở cực Nam Tây Ban Nha với dân số 32.000 người và hàng ngày có khoảng 15.000 người đi lại từ Tây Ban Nha đến Gibraltar. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến vấn đề đảm bảo việc đi lại tự do giữa Tây Ban Nha đến vùng này trở nên phức tạp. Hiện chính quyền vùng và Chính phủ Anh đang đàm phán với Chính phủ Tây Ban Nha để tìm kiếm một thỏa thuận giúp 2 bên tránh phải thiết lập hệ thống kiểm soát biên giới giữa vùng này với phần còn lại của Tây Ban Nha.
Phát biểu trên RNE, Ngoại trưởng Gonzalez Laya cho biết các cuộc đàm phán giữa Tây Ban Nha và Anh về Gibraltar vẫn đang diễn ra dù không còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, Madrid sẽ nỗ lực tới phút chót, đồng thời hy vọng phía Anh thể hiện sự chủ động trong tiến trình đàm phán. Hiện tại, Tây Ban Nha đã nhất trí gạt vấn đề tuyên bố chủ quyền sang một bên để tập trung vào mục tiêu là đạt thỏa thuận giúp duy trì "một biên giới mở" giữa vùng Gibraltar và phần còn lại của Tây Ban Nha.
Trong khi đó, theo người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại Anh, chính phủ nước này và chính quyền vùng Gibraltar đã thực hiện các cuộc đàm phán trên tinh thần xây dựng với Tây Ban Nha về vùng lãnh thổ Gibraltar. Người phát ngôn trên khẳng định việc tìm ra giải pháp cho vấn đề, giúp đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Theo kết quả trưng cầu dân ý năm 2002, có 99% người Gibraltar không chấp nhận việc Anh chia sẻ chủ quyền vùng này với Tây Ban Nha. Đến năm 2016, gần 96% cử tri ở Gibraltar ủng hộ Anh ở lại EU, ngược với kết quả của toàn bộ lãnh thổ Vương quốc Anh là 52% ủng hộ "ra đi", mở đường cho tiến trình Brexit được thực hiện.
Vấn đề về vùng lãnh thổ Gibraltar chỉ là một trong số nhiều vấn đề mà các bên chưa thể tháo gỡ để đảm bảo một Brexit "êm xuôi" trong 5 tuần nữa. Anh chính thức tuyên bố rời EU vào cuối tháng 1/2020 nhưng 2 bên có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm 2021, trong đó quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực vẫn được duy trì theo mô hình cũ. Hiện là thời gian để 2 bên đàm phán các thỏa thuận nhằm đảm bảo trao đổi song phương trong mọi lĩnh vực không bị gián đoạn nghiêm trọng khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán tới nay vẫn chưa đạt đột phá, cả London và Brussels đều kêu gọi bên còn lại thay đổi một số quan điểm để mở đường tiến tới một thỏa thuận thương mại có lợi cho các bên, giúp tránh cái kết "không có hậu" cho cuộc khủng hoảng Brexit vốn đã kéo dài 5 năm qua.