Trong nhiều tháng, các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 khá thấp ở các quốc gia đang phát triển sẽ “mở cửa” cho biến thể mới nguy hiểm hình thành.
Tỷ lệ tiêm vaccine khiêm tốn
Tờ TIME (Mỹ) cho biết đến nay, mới chỉ có 7,3% dân số châu Phi được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 trong khi con số này tại châu Âu và Mỹ là 58%. Tính đến đầu tháng 11, chỉ có 12% trong tổng cộng 1,9 tỷ liều cam kết dành cho các nước thu nhập thấp và trung bình được chuyển giao.
Nhưng để nâng cao tỷ lệ tiêm tại châu Phi, sẽ cần nhiều hơn là các lô vaccine khổng lồ. Các chuyên gia y tế châu Phi đánh giá việc thiếu hợp tác trong vận chuyển, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và tình trạng ngần ngại tiêm vaccine, cùng với tin giả đã “giảm tốc” nỗ lực tiêm vaccine COVID-19.
Ngay cả Nam Phi, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu lục với 24% dân số được tiêm đầy đủ, cũng đang phải vật lộn để có được nhiều mũi tiêm hơn. Trong khi các nhà khoa học Nam Phi gây chấn động thế giới vào tuần trước khi xác định được biến thể Omicron mới, thì quan chức y tế nước này đề nghị các nhà sản xuất thuốc Mỹ trì hoãn việc cung cấp thêm vaccine COVID-19 vì nhu cầu không đủ mạnh và họ lo ngại về hạn sử dụng của vaccine.
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu biến thể Omicron có nguy hiểm hơn không nhưng với 30 đột biến trên protein gai, Omicron dễ lây lan hơn các biến thể “tiền nhiệm”. Bác sĩ Ayoade Alakija, đồng chủ tịch Liên minh giao vaccine châu Phi thuộc Liên minh châu Phi, đánh giá: “Những gì đang xảy ra phần lớn là không thể tránh khỏi. Biến thể Omicron là kết quả của việc thế giới không tiêm chủng cho công dân của mình một cách công bằng và hiệu quả”.
Hầu hết các quốc gia châu Phi dựa vào COVAX-chương trình do Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tạo ra để phân phối vaccine công bằng toàn cầu. Tuy nhiên, khi nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới là Viện Serum của Ấn Độ gặp vấn đề trong sản xuất do lệnh cấm xuất khẩu của New Delhi xuất phát từ đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng trong tháng 4 và tháng 5 thì việc chuyển giao vaccine đã chậm lại. Chỉ có 245 triệu liều vaccine COVID-19 được chuyển đến vùng hạ Sahara châu Phi.
Bác sĩ Lul Riek thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch (CDC) châu Phi cho biết nhiều quốc gia “lục địa Đen” đã phải dựa vào việc góp tặng vaccine nhưng việc vận chuyển thường “phối hợp kém”. Điều gây lo lắng hơn là nhiều liều vaccine được vận chuyển lại đang gần đến ngày hết hạn. Ông Riek nói: “Khi vaccine COVID-19 được chuyển đến, có thể không còn đúng thời điểm nữa. Vaccine có ‘tuổi đời’ khá ngắn, chúng sẽ hết hạn trong 2-3 tháng”.
Yêu cầu phải bảo quản vaccine ở nhiệt độ rất thấp cũng gây khó khăn cho nỗ lực tiêm chủng tại vùng hạ Sahara châu Phi. Nhiều quốc gia tại khu vực này có hệ thống y tế quá tải và không được cấp đủ tài chính ngay cả trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
Sự nghi ngại
Ngay cả trong trường hợp có đủ vaccine, thì tình trạng ngần ngại tiêm vẫn ám ảnh châu Phi, bắt nguồn từ tin giả trên mạng, việc lung lay niềm tin với giới lãnh đạo và lịch sử thử nghiệm y tế của phương Tây tại châu lục này.
Một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 12/2020 của CDC Châu Phi cho thấy 79% người được hỏi nói rằng họ sẽ tiêm vaccine COVID-19 nếu nó an toàn và hiệu quả, nhưng 25% trong số 15.000 người được hỏi cho biết họ tin rằng vaccine COVID-19 sẽ không an toàn.
Tình trạng nhân viên y tế do dự tiêm vaccine COVID-19 cũng là một vấn đề khác. Theo báo cáo của WHO vào tháng 11, trong khi các nước thu nhập cao có ít nhất 80% nhân viên y tế của họ được tiêm chủng, chỉ có 27% nhân viên y tế ở châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ. Các cuộc khảo sát ở một số quốc gia châu Phi cho thấy chưa đầy một nửa số nhân viên y tế sẵn sàng tiêm COVID-19.
Lệnh cấm di chuyển có thể gây trầm trọng tình hình
Giới chức châu Phi đánh giá lệnh cấm di chuyển gần đây liên quan đến biến thể Omicron sẽ chỉ gây khó khăn cho năng lực chống COVID-19.
Ông Thierno Balde tại văn phòng châu Phi của WHO phân tích rằng lệnh hạn chế chỉ làm chùn chân các quốc gia: “Nếu mọi người không được khuyến khích để chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng thì những biến thể này sẽ xuất hiện cả ở nhiều quốc gia khác”.
Theo ông Russell Rensburg tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi), một hậu quả khác của lệnh cấm di chuyển là gây khó khăn cho các quốc gia tiếp cận nguồn chất phản ứng để xét nghiệm COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế năng lực lần dấu sự lây lan của biến thể Omicron.