Vaccine COVID-19 thử nghiệm tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở người cao tuổi

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với vaccine mRNA-1273 tiềm năng phòng COVID-19 cho thấy loại vaccine này tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể những người cao tuổi với mức độ tương tự như ở những người già ít tuổi hơn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine mRNA-1273 phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine ngày 30/9.  

Vaccine thử nghiệm mRNA-1273 do các chuyên gia của Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) và công ty Moderna phối hợp nghiên cứu và phát triển. Cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 bắt đầu vào ngày 16/3 và được mở rộng sang những người lớn tuổi khoảng 1 tháng sau đó.

Tham gia thử nghiệm có 40 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong đó có 20 người ở độ tuổi từ 56 - 70 tuổi, và 20 người ở độ tuổi từ 71 tuổi trở lên. Mỗi nhóm tuổi có 10 người được tiêm vaccine với liều thấp 25 microgram và 10 người được tiêm vaccine với liều cao 100 microgram. Sau khoảng 1 tháng, các tình nguyện viên này được tiêm mũi thứ hai với cùng loại vaccine và cùng liều lượng như trên.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tiến hành thăm khám lâm sàng để theo dõi phản ứng của cơ thể họ đối với vaccine và đánh giá độ an toàn. Mặc dù một số tình nguyện viên gặp phải các tác dụng phụ như sốt, mệt mỏi sau khi tiêm, song các nhà nghiên cứu phát hiện vaccine đã tạo ra phản ứng miễn dịch tốt trong cơ thể.

Đáng chú ý, vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể của những người lớn tuổi hơn với mức độ tương đương ở nhóm người ít tuổi hơn.

Tiến sĩ Evan Anderson, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Emory tại Atlanta, cho biết kết quả nghiên cứu trên khiến giới khoa học và người dân cảm thấy an tâm bởi khả năng miễn dịch có xu hướng yếu đi ở những người cao tuổi.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe của nhóm người lớn tuổi hơn này trong khoảng 1 năm sau khi tiêm vaccine lần 2 để đánh giá tác dụng lâu dài của vaccine. Vaccine mRNA-1273 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở quy mô rộng hơn, bắt đầu từ cuối tháng 7 vừa qua.

* Trong khi đó, một số nguồn thạo tin cho biết Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã mở rộng phạm vi cuộc điều tra về sự cố xảy ra trong quá trình nghiên cứu vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca và sẽ rà soát dữ liệu của các cuộc thử nghiệm trước đó đối với những vaccine tương tự cũng do hãng này bào chế.

Cuộc thử nghiệm vaccine của hãng AstraZeneca ở giai đoạn cuối với quy mô rộng tại Mỹ đã bị hoãn từ ngày 6/9 vừa qua sau khi một trong số những người tham gia thử nghiệm tại Anh mắc bệnh được cho là chứng rối loạn cột sống hiếm gặp có tên viêm tủy cắt ngang.

Cơ quan quản lý dược phẩm tại các nước Anh, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đã cho phép AstraZeneca tiếp tục thử nghiệm lâm sàng tại đây. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Mỹ) cho biết FDA muốn xác định xem liệu các tác dụng phụ tương tự có xuất hiện trong các thử nghiệm vaccine khác cũng do AstraZeneca phát triển hay không.

FDA dự kiến sẽ nhận được những dữ liệu cần thiết trong tuần này, sau đó sẽ tiến hành phân tích dữ liệu. Việc cơ quan này mở rộng phạm vi điều tra vaccine của hãng AstraZeneca có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thử nghiệm của một trong những ứng viên vaccine COVID-19 tiềm năng nhất đang được phát triển này.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Liên minh vaccine kêu gọi các nước tham gia cơ chế COVAX
Liên minh vaccine kêu gọi các nước tham gia cơ chế COVAX

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley ngày 30/9 kêu gọi các nước chưa ký kết tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX) chung tay với các nỗ lực toàn cầu để tài trợ cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN