Trao đổi với báo giới, một quan chức Mỹ cho hay: "Theo yêu cầu của Chính quyền Palestine, chúng tôi đã giảm dần các dự án và kế hoạch được tài trợ theo thẩm quyền được nêu trong Đạo luật của Quốc hội Mỹ về chống khủng bố (ATCA) tại Bờ Tây và Dải Gaza. Mọi sự trợ giúp của USAID tại Bờ Tây và Dải Gaza đã bị ngừng lại". Quan chức này nói thêm rằng họ vẫn chưa tiến hành các bước đi nhằm đóng cửa phái đoàn USAID tại Palestine.
Quyết định trên có liên quan tới thời hạn chót ngày 31/1 được Quốc hội mới của Mỹ đặt ra, theo đó các đối tượng tiếp nhận viện trợ nước ngoài có nhiều khả năng vướng vào các vụ kiện liên quan đến chống khủng bố. Ngoài ra, một khoản viện trợ trị giá 60 triệu USD mà Mỹ dành cho lực lượng an ninh Palestine cũng chấm dứt vào thời điểm trên.
Theo quy định của ATCA, các công dân Mỹ được quyền kiện những đối tượng tiếp nhận viện trợ nước ngoài lên các tòa án Mỹ với cáo buộc đồng lõa trong việc tiến hành "các hành động chiến tranh". Phía Palestine đã từ chối nhận thêm các khoản tài trợ của Mỹ do lo ngại vướng vào các rắc rối pháp lý.
Hồi năm ngoái, Mỹ đã ngừng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nhân đạo cho người tị nạn Palestine, trong đó có hỗ trợ về y tế và giáo dục, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Chính phủ Mỹ cũng đã chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của USAID cho Palestine.
Hiện Palestine chưa có đại sứ quán tại Mỹ, mà chỉ có một phái bộ ngoại giao, đặt tại thủ đô Washington. Quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Chính quyền Palestine đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Trump thông báo quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Palestine đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa.