Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin hôm 4/2 cho biết Công ty lập bản đồ dữ liệu QuantUrban và Nhà phát triển chương trình Wechat đã tạo ra một nền tảng thu thập các thông tin chính thức từ các khu vực được xác nhận có người nhiễm virus Corona sinh sống. Từ đó tạo ra một bản đồ địa lý giúp người dùng có thể đánh giá họ ở gần nơi nhiễm bệnh trong mức độ nào.
Nền tảng của WeChat có tên gọi “YiKuang” hay “ Tình hình dịch bệnh” hiển thị bản đồ của các thành phố phía Nam Thâm Quyến và Quảng Châu, còn các bản đồ dựa trên trình duyệt của QuantUrban bao gồm 9 thành phố khác trong tỉnh.
“Thâm Quyến có thể bùng phát dịch lớn trong vài ngày tới và dữ liệu của chính phủ rất chậm. Dùng bản đồ là cách để trấn an người dân. Tuy không thể đảm bảo không có các trường hợp nhiễm mới nhưng có thể tránh các khu vực đã lây nhiễm”, cô April, nhà quản lý tại Thâm Quyến cho biết.
Tính đến ngày 3/2, Thâm Quyến đã ghi nhận 245 trường hợp mắc bệnh. Thủ phủ công nghệ phía Nam cũng được coi là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, bởi nơi này bao gồm số lượng lớn đao động nhập cư từ các tỉnh miền Trung Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn chú thích thông tin trên bản đồ để mọi người có thể quan sát các khu vực nhiễm bệnh một cách trực quan hơn, đồng thời cũng để nhắc nhở mọi người phải bảo vệ bản thân một cách cẩn trọng”, cô Yuan Xiaohui, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của QuantUrban nói.
Cô Yuan cho biết khi Chính phủ công bố các dữ liệu hàng ngày, sẽ có một nhóm các tình nguyện viên cũng giúp nhóm cập nhật bản đồ. Ứng dụng Yikuang cũng dựa vào các tình nguyện viên để cập nhật thông tin và biểu thị các khu phố được xác nhận có trường hợp nhiễm bệnh bằng các biểu tượng.
“Nếu tôi biết rằng có những người nhiễm bệnh ở gần đó, tôi sẽ thận trọng hơn. Tôi sống giữa Thâm Quyến và Quảng Châu nên những bản đồ này vô cùng hữu ích”, Steven, một sinh viên chia sẻ.
Để giúp người dân theo dõi vùng dịch, bên cạnh những ứng dụng bản đồ, hãng truyền thông quốc gia CCTV và People’s Daily của Trung Quốc cũng phát các chương trình riêng biệt giúp mọi người có thể theo dõi các tuyến xe buýt, xe lửa hoặc máy bay họ đã đi có ca nhiễm bệnh nào được xác nhận hay không.
Sáng 4/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết số người chết vì virus Corona đã lên đến 425 người, trong khi tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã lên tới 20.625. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus Corona là một bệnh nhân 39 tuổi. Như vậy, đã có 2 ca tử vong do nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục, một ở Philippines và một ở Hong Kong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tối 30/1 cũng đã tuyên bố dịch bệnh là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.