Báo cáo của UNESCO dựa trên cuộc khảo sát đối với hơn 900 nhà báo từ 129 quốc gia được thực hiện vào tháng 3 vừa qua. Theo đó, 70% nhà báo được khảo sát cho biết đã từng bị tấn công, đe dọa hoặc chịu áp lực liên quan đến công việc của họ. Đặc biệt, khoảng 40% cho biết đã phải đối mặt với bạo lực thân thể.
Tính trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2023, có ít nhất 749 nhà báo và cơ quan truyền thông đưa tin về các vấn đề môi trường đã trở thành mục tiêu của các vụ sát hại, giam giữ, quấy rối trực tuyến hoặc tấn công pháp lý.
Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, theo đó, trong khoảng thời gian từ 2019 - 2023 có 305 vụ tấn công được báo cáo, tăng 42% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Các chủ đề được các nhà báo đưa tin rất đa dạng, bao gồm các cuộc biểu tình, xung đột khai thác và đất đai, nạn phá rừng, thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh rằng nếu không có những thông tin khoa học đáng tin cậy về cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra, chúng ta không bao giờ có thể hy vọng vượt qua cuộc khủng hoảng đó, nhưng các nhà báo mang lại nguồn tin đó đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, trong khi những thông tin sai lệch liên quan đến khí hậu tràn lan trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Để đối phó với vấn đề này, UNESCO dự kiến triển khai một chương trình tài trợ để cung cấp hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật cho hơn 500 nhà báo môi trường.