Ukraine lo ngại phương Tây bị phân tâm
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hỗ trợ Ukraine “miễn là cần thiết”. Điều này đã được Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại trong thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây. Nhưng kể từ khi lực lượng Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10, một cuộc khủng hoảng quốc tế mới đã phát triển, làm phân tán sự chú ý của dư luận thế giới.
Xung đột Israel-Hamas có thể hạn chế nguồn lực của những nước đặc biệt ủng hộ Ukraine, chẳng hạn như Mỹ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đã kêu gọi các nước thành viên NATO không giảm bớt hỗ trợ.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden khẳng định với các nhà báo rằng Mỹ chắc chắn có thể giải quyết đồng thời cả hai cuộc khủng hoảng. Ông còn nói thêm: "Nếu chúng tôi không làm điều đó thì ai sẽ làm?".
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đang mâu thuẫn với các đảng viên Cộng hòa ở quê nhà muốn cắt viện trợ cho Ukraine. Với hỗn loạn hiện nay ở Quốc hội Mỹ khi chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện đã để trống trong nhiều ngày kể từ khi ông Kevin McCarthy bị phế truất, hiện tại không có thêm khoản tiền mới nào chảy vào Ukraine.
Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick tại Đại học Halle (Đức) nhận định: "Đang có cạnh tranh để giành được chú ý và nguồn lực. Tôi không nghĩ các nước lớn sẽ ngừng hỗ trợ Ukraine ngay bây giờ, nhưng ưu tiên sẽ thay đổi".
Hụt hơi hỗ trợ từ châu Âu
Tình đoàn kết với Ukraine cũng đang suy yếu ở châu Âu. Chính phủ Ba Lan đã cảnh cáo ngừng cung cấp vũ khí vì tức giận trước việc nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraine. Slovakia, cho đến nay cũng là một nước ủng hộ Ukraine lớn, gần đây đã tiến hành bầu cử trước thời hạn. Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 30/9, đảng Smer-SD do cựu Thủ tướng Robert Fico lãnh đạo đã giành chiến thắng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Fico tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Slovakia sẽ cung cấp "không một viên đạn nào" cho Ukraine.
Ở phương Tây nói chung, "ủng hộ dành cho Ukraine đã suy yếu, sự gắn kết đang sụp đổ”, chuyên gia chính sách quốc phòng Roderich Kiesewetter nói với DW.
Việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đã giúp Kiev đạt được thành công quân sự hạn chế trong các cuộc phản công. Cho đến nay, bước đột phá vẫn chưa thành hiện thực. Một lần nữa, Tổng thống Zelensky lại yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí như máy bay chiến đấu. Nhà lãnh đạo Ukraine ngỏ ý muốn có tên lửa hành trình Taurus từ Đức. Nhưng Thủ tướng Scholz không sẵn lòng cung cấp chúng.
Mệt mỏi vì xung đột đang gây áp lực, khiến các chính trị gia và nhà ngoại giao ở phương Tây tìm cách chấm dứt giao tranh thông qua đàm phán. Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick tin rằng dù sao thì một nền hòa bình được thương lượng là điều không thể tránh khỏi.