Ukraine kiên quyết chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga bất chấp sự thuyết phục từ Slovakia

Ukraine khẳng định quyết định này nhằm mục tiêu trừng phạt Nga, ngăn chặn nguồn thu từ khí đốt tài trợ cho xung đột. Tuy nhiên, Slovakia, phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt của Nga, lo ngại về tác động tới an ninh năng lượng.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trong một cuộc họp báo ngày 7/10/2024. Ảnh: Thủ tướng Denys Shmyhal/Telegram

Tờ Kiev Independent ngày 8/10 dẫn tuyên bố của Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Slovakia Robert Fico, khẳng định Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn.

Quyết định này phù hợp với mục tiêu chiến lược của Ukraine là "áp đặt lệnh trừng phạt" đối với khí đốt của Nga và tước đi nguồn thu từ hydrocarbon của Điện Kremlin được sử dụng để tài trợ cho cuộc xung đột đang diễn ra.

Tuy nhiên, Slovakia là một trong những quốc gia phụ thuộc vào hành lang trung chuyển khí đốt của Ukraine. Việc chấm dứt đột ngột thỏa thuận đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định năng lượng của Slovakia và làm tăng gánh nặng chi phí cho nền kinh tế và người dân của nước này.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga được ký vào năm 2019 và sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay. Nga đã cắt giảm phần lớn lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống tới châu Âu vào năm 2022, nhưng các quốc gia như Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu của Nga.

Thủ tướng Shmyhal cũng nhấn mạnh cam kết của đất nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu và Hiệp ước Hiến chương năng lượng, đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu dầu khí của Nga.

Nhưng ông Shmyha thừa nhận những thách thức mà điều này đặt ra cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, như Slovakia và Hungary, đồng thời bày tỏ hy vọng về sự đa dạng hóa nguồn cung dần dần. 

"Chúng tôi hiểu sự phụ thuộc sâu sắc của một số quốc gia, đặc biệt là Slovakia, vào nguồn nhiên liệu này. Nhưng chúng tôi đang trông đợi vào sự đa dạng hóa dần dần nguồn cung", ông Shmyhal nói.

Trước cuộc họp báo, Thủ tướng Fico đã bày tỏ ý định thuyết phục Ukraine duy trì hoạt động vận chuyển khí đốt và dầu khí của Nga tới châu Âu thông qua lãnh thổ của mình. Vào tháng 6 năm nay, Ukraine đã tăng cường lệnh trừng phạt đối với Lukoil, một trong những công ty dầu khí tư nhân lớn nhất ở Nga, cấm công ty này sử dụng lãnh thổ Ukraine làm tuyến trung chuyển.

Quyết định này đã có tác động ngay lập tức khi các chuyến hàng dầu tới Slovakia và Hungary bị dừng lại kể từ ngày 18/7. Bất chấp việc ngừng cung cấp dầu cho Lukoil, Transpetrol của Slovakia xác nhận rằng hoạt động giao dầu từ các nhà cung cấp khác của Nga không bị ảnh hưởng.

Cả Hungary và Slovakia đều kháng cáo lên Ủy ban châu Âu, lập luận rằng quyết định của Ukraine vi phạm Thỏa thuận liên kết với EU. Tuy nhiên, tờ Financial Times của Anh đưa tin rằng Ủy ban châu Âu đã từ chối yêu cầu can thiệp của họ.

Tranh chấp đã leo thang bao gồm cả các mối đe dọa trả đũa. Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini đã cảnh báo về các "biện pháp đối phó" tiềm tàng để đáp trả lệnh cấm, trong khi Hungary đe dọa sẽ chặn một gói viện trợ đáng kể của EU cho Ukraine nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nga và Mỹ giúp Kenya phát triển năng lượng hạt nhân
Nga và Mỹ giúp Kenya phát triển năng lượng hạt nhân

Quan hệ đối tác với Nga về năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và LNG mở ra "cánh cửa mới" cho cả hai quốc gia. Hơn nữa, việc hợp tác với Mỹ và các quốc gia khác cho thấy tầm quan trọng chiến lược của năng lượng hạt nhân trong tương lai của Kenya.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN