Theo đó, tới nay, Ukraine đã ghi nhận khoảng 2,2 triệu ca mắc và 49.436 ca tử vong.
Ukraine nằm trong số các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, song đang tụt hậu trong công tác tiêm chủng phòng dịch. Tuần trước, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bãi nhiệm Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov vì cho rằng ông đã thất bại trong chiến dịch tiêm chủng và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Y tế Viktor Lyashko, người thay thế ông Stepanov, cam kết sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, trong đó có nỗ lực sản xuất vaccine nội địa. Tới nay, Ukraine đã nhận khoảng 2,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, song mới chỉ có khoảng 1 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên.
* Cùng ngày, giới chức y tế bang Victoria của Australia xác nhận 4 ca mắc mới COVID-19 trong một gia đình ở phía Bắc thành phố Melbourne, sau gần 3 tháng bang này không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, các cơ quan y tế đã cảnh báo về ổ dịch trên sau khi tiến hành xét nghiệm một người đàn ông ở thị trấn Whittlesea ngày 23/5. Người này cùng 3 thành viên khác trong gia đình đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 24/5.
Bộ trưởng Y tế bang Victoria Martin Foley cho biết nhà chức trách đang tiến hành giải trình tự gen để tìm ra nguồn lây nhiễm. Ông cảnh báo các trường hợp trên là lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa biến mất, kêu gọi mọi người dân ở bang cảnh giác với dịch bệnh khi thời tiết chuyển sang mùa Đông - thời kỳ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất trong cộng đồng, theo đó cần thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và khai báo thông tin liên hệ. Ông Foley cho biết hiện chính quyền bang chưa có kế hoạch phong tỏa.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế bang Brett Sutton nhấn mạnh điều quan trọng là người dân cần đi tiêm chủng để phòng ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh mới. Cho đến nay, gần 3,5 triệu trong tổng số hơn 25 triệu người Australia đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19.