Theo đài RT (Nga), Thủ tướng Ukraine cho biết “hợp đồng cho thuê khí đốt” này sẽ cần thiết cho mùa đông tới. Tuyên bố của ông Shmigal được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiệu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
“Chính phủ Ukraine đã quyết định gửi yêu cầu đến Chính phủ Mỹ bày tỏ mong muốn Washington sẽ cung cấp cho chúng tôi 'hợp đồng cho vay - cho thuê’ khí đốt, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho mùa đông. Chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị cho mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử và đang tìm kiếm tất cả các công cụ có thể để sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào”, ông Shmigal thông báo trong một cuộc họp nội các, theo một video được đăng trên Telegram cá nhân.
Mặc dù ông Shmigal không nều rõ thỏa thuận được đề xuất sẽ hoạt động như thế nào, nhưng việc sử dụng thuật ngữ “cho vay - cho thuê” cho thấy rằng Kiev mong đợi được giao khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ miễn phí. Từ lâu, Mỹ đã tìm cách bán LNG trên thị trường châu Âu, nhưng không thể cạnh tranh với khí đốt của Nga về giá.
Washington đã gửi hàng loạt các loại vũ khí và đạn dược trị giá hàng triệu USD cho Ukraine, theo chương trình từng được Mỹ áp dụng phổ biến trong Thế chiến II, nhằm đơn giản hóa viện trợ quân sự cho Kiev.
Đề xuất của ông Shmigal được đưa ra khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Naftogaz của Ukraine đã vỡ nợ trái phiếu và yêu cầu chính phủ Kiev hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc huy động vốn cần thiết để nhập khẩu khí đốt tự nhiên cho mùa sưởi ấm sắp tới.
Tuy nhiên, hôm 25/2, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Timoshenko đã cáo buộc Naftogaz tham ô. Công ty này đang tham gia vào “trò lừa đảo thế kỷ”, yêu cầu hàng tỉ USD để mua khí đốt mặc dù Ukraine không cần và thậm chí có thể đang thặng dư.
Trong khi đó, EU đã công bố kế hoạch tiêu thụ khí đốt bắt đầu từ tháng 8 để đối phó với tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra. Hầu hết khí đốt tự nhiên của khối được nhập khẩu từ Nga và Moskva đã cam kết tuân thủ các hợp đồng bất chấp các lệnh cấm vận mà Brussels áp đặt với lý do xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, việc sửa chữa đường ống Nord Stream từ Nga đến Đức - liên quan đến các thiết bị bị trừng phạt - đã làm giảm lưu lượng khí đốt trong những tuần gần đây. Berlin đã dứt khoát từ chối khả năng sử dụng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 – vốn đã hoàn thành nhưng chưa được cấp phép - để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung này.