Trong thư gửi các nhà tài trợ, Thủ tướng Shmygal nhấn mạnh để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, điều “rất cần thiết” là Kiev cần “nhận được nguồn tài chính đầy đủ, ngay lập tức và có thể dự đoán được bắt đầu từ tháng 1/2024...”.
Hiện chưa rõ liệu các nhà tài trợ có đồng ý tổ chức cuộc họp khẩn này hay không và bức thư đã nhận được phản hồi như thế nào.
Theo nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine), ông Yaroslav Zheleznyak, Kiev đã nhận được 73,6 tỷ hryvnia (970 triệu USD) từ phương Tây kể từ khi bùng phát xung đột. Các nhà tài trợ quan trọng nhất cho Ukraine là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergei Marchenko cho biết nước này đã cạn kiệt nguồn lực ngân sách để tài trợ cho nhu cầu quân sự. Ông nêu rõ trong năm 2023, Kiev đã nhận được hơn 38 tỷ euro (42 tỷ USD) viện trợ quốc tế. Phần lớn viện trợ chi cho các đợt phòng thủ của Kiev, một phần được sử dụng để tài trợ cho người sơ tán trong nước, lương hưu và tiền lương cho quân nhân.
Kể từ khi xảy ra xung đột, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ của Mỹ và EU. Ước tính mỗi ngày Ukraine tiêu tốn 120 triệu euro.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ukraine số vũ khí và trang thiết bị trị giá 250 triệu USD trong gói viện trợ cuối cùng trong năm nay. Ngoại trưởng Mỹ cho biết gói viện trợ mới nhất bao gồm đạn phòng không, đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa pháo binh có tính cơ động cao, đạn pháo, đạn chống thiết giáp và hơn 15 triệu viên đạn.