Ukraine chật vật khôi phục sức mạnh cường quốc không quân số 3 thế giới

Từ vị trí cường quốc không quân số 3 thế giới, không quân Ukraine có thời điểm gần như tê liệt hoạt động. Việc ngân sách quốc phòng đang tăng mạnh, tương đương gần 6% GDP trong năm 2019, các phi công Ukraine đang có thêm hy vọng được tung cánh trên bầu trời sau những năm dài hầu như “đắp chiếu”.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên đang kiểm tra chiếc MiG-29 trong nhà chứa máy bay tại căn cứ Vasylkiv ngày 14/2/2019. Ảnh: Kyiv Post 

Một buổi sáng lạnh giá đầu Xuân, những đám mây mờ mịt sà xuống sát căn cứ không quân ở Vasylkiv, thành phố nhỏ nằm cách thủ đô Kiev 30 km về phía Tây Bắc. Nơi đây là căn cứ chính của Lữ đoàn Không chiến số 40, Không quân Ukraine (UAF).

Tới trưa trời mới quang, các phi công của lữ đoàn hào hứng hẳn lên, họ chuẩn bị bước vào buổi bay tập luyện đầu tiên trong tuần do thời tiết xấu. Một chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 màu bạc, với biểu tượng chiếc đinh ba màu xanh và vàng trên đuôi được kéo ra đường băng. Sau chừng nửa giờ kiểm tra, các kỹ thuật viên báo cáo chiếc máy bay đã đầy nhiên liệu và sẵn sàng cất cánh. Viên phi công khóa vòm kính khoang lái và chiếc máy bay thoáng cái đã liệng đi trên nền trời màu xám.

Những chuyến bay tập huấn thường xuyên như vậy chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây. Còn trước đó, nhiều phi công Ukraine thường xuyên phải “nằm đất” vì thiếu nhiên liệu, trong khi hàng chục máy bay chiến đấu của họ thì hoặc bị đập làm phế liệu hoặc bán lấy tiền.

Việc ngân sách quốc phòng tăng mạnh, lên tới mức kỷ lục 8 tỉ USD cho năm 2019, tương đương gần 6% GDP, đang cho các phi công Ukraine thêm hy vọng được tung cánh trên bầu trời. 

Chú thích ảnh
Nhân viên kỹ thuật kiểm tra một chiếc MiG-29 trước chuyến bay tập. Ảnh: Kyiv Post

Theo tờ Kyiv Post (Ukraine), sau nhiều năm thiếu kinh phí, những cuộc cắt giảm thời hậu Xô viết và việc "chảy máu" các nhân sự có kỹ năng, UAF đang nỗ lực trỗi dậy, tìm lại thời kỳ là một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ, nhằm sẵn sàng đối phó với nước Nga láng giềng. Lực lượng này đang huấn luyện nhiều phi công hơn, nâng cấp và hiện đại hóa đội máy bay trong bối cảnh phi đội thừa hưởng từ kỷ nguyên Xô viết sắp kết thúc vòng đời hoạt động.

Cú ngã từ thời hoàng kim

Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, nước Ukraine độc lập nổi lên là cường quốc không quân lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Kiev được thừa hưởng một phi đội máy bay ấn tượng của Liên Xô cũ, gồm trên 2.000 máy bay chiến đấu, trong đó có 44 máy bay ném bom chiến lược Tu-22 và Tu-160, và 122.000 nhân viên quân sự, 27.000 nhân viên dân sự.

Phi đội của UAF có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm từ phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật đến các loại vũ khí quy ước có dẫn đường và không dẫn đường.

Chú thích ảnh
Nhân viên kỹ thuật đổ xăng cho tiêm kích MiG-29 tại sân bay Vasylkiv ngày 14/2/2019. Ảnh: Kyiv Post

Nhưng những năm sau đó, UAF trải qua thời kỳ vũ khí xuống cấp và cắt giảm ngân sách. Để tuân thủ Nghị định thư Budapest năm 1994, dưới sự bảo đảm an ninh của Nga-Mỹ-Anh, Ukraine đã phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và loại bỏ các máy bay chiến lược vào năm 1998.

Các loại máy bay khác được bán đi hàng tá. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2017, Ukraine đã bán đi tới 65 máy bay chiến đấu (gồm các Su‑27, Su‑25, Su‑22, MiG‑29 và MiG‑21), 41 máy bay huấn luyện L-39 Albatros, 6 máy bay vận tải quân sự An-72, An-74, An-12; 3 máy bay tiếp dầu Il-78, 50 phi cơ do thám không người lái Tu-143, 44 chiếc trực thăng Mi-24 cùng với 802 quả tên lửa các loại (chủ yếu là tên lửa không đối không R‑24, R‑27 và R‑73, tên lửa hành trình không đối Kh-59).

Chú thích ảnh
Máy bay Mikoyan MiG-29 trong một chuyến bay huấn luyện ngày 1/2/2012. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Việc bán bớt phi đội máy bay khổng lồ mang lại cho Ukraine hàng triệu USD, nhưng kể từ năm 1991, UAF chưa từng nhận thêm một chiếc máy bay mới nào. Và đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Khó khăn chồng chất

Ngân sách rót cho mọi hoạt động, từ huấn luyện đến phục vụ bay đều nhỏ giọt. "Đầu những năm 2000, các phi công trẻ tốt nghiệp trường Đại học Không quân Kharkiv đều rất thiếu kinh nghiệm bay”, Trung tá Yuriy Ignat, người phát ngôn UAF phát biểu với tờ Kyiv Post. “Chúng tôi phải cho họ làm tạm những công việc ở mặt đất. Hiếm khi có đủ nhiên liệu bay cho các sĩ quan chỉ huy và huấn luyện, chứ nói gì đến phi công trẻ. Chúng tôi ở trong tình thế chỉ các sĩ quan cấp cao mới là những người đủ năng lực thực hiện các chuyến bay phòng không quốc gia”. 

Những cuộc cắt giảm nhân sự lớn, đóng cửa các trụ sở chỉ huy không quân cũng liên tiếp diễn ra. Theo Văn phòng Công tố viên quân sự, có tới 19 đơn vị của UAF phải giải thể chỉ từ năm 2012-2014. Thực trạng này đã đẩy sức mạnh không quân Ukraine đến chỗ gần như tê liệt vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea đầu năm 2014.

Để mất Crimea là một cú đòn “trời giáng” nhằm vào UAF. Họ đã mất đi cơ sở hạ tầng tốt nhất trên bán đảo Crimea cùng với 126 chiếc máy bay (mà sau đó, Ukraine đòi lại được 92 chiếc).

Dù vậy, tình thế tồi tệ nhất – cuộc chiến ở Donbass - vẫn chưa tới.

Bất chấp việc thiếu tập luyện và các trang thiết bị hiện đại, sức mạnh không quân Ukraine vẫn đóng một vai trò quan trọng trong những trận chiến ở Slovyansk và Kramatorsk vào mùa Xuân 2014.

Nhưng thời điểm sa sút nhất trong lịch sử UAF đã xảy đến chỉ “sau một đêm”, vào ngày 14/6/2014, khi một máy bay vận tải quân sự Il-76MD của nước này bị các lực lượng đòi độc lập bắn rơi trên bầu trời Luhansk, miền Đông Ukraine. Toàn bộ 49 người trên máy bay, gồm 40 lính dù và 9 thành viên đoàn bay, thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Xác máy bay vận tải Il-76 của Ukraine bị bắn rơi ở ngoại ô Lugansk ngày 14/6/2014. Ảnh: AFP

Sau đó, những hoạt động của không quân Ukraine trong cuộc xung đột ở miền Đông nước này chấm dứt hẳn vào đầu tháng 9/2014, khi Moskva đưa ra lệnh cấm hoàn toàn sử dụng không lực như là điều kiện tiên quyết cho Thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ nhất.

Trong cuộc chiến ở Donbass, Ukraine tổn thất 51 nhân sự không quân, trong đó có 16 phi công.

Trên đường tìm lại sức mạnh

Ngày nay, có gần 50.000 nhân viên phục vụ trong UAF, với trụ sở chính tại Vinnytsia, thành phố nằm cách thủ đô Kiev 200 km về phía Tây Nam. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (có trụ sở ở London), UAF hiện sở hữu hàng trăm máy bay sẵn sàng chiến đấu. Số này bao gồm khoảng 37 tiêm kích MiG-29, 34 chiếc Su-27, 14 cường kích Su-24M, 31 chiếc máy bay chi viện không quân Su-25, 9 chiếc Su-24MR, 3 máy bay trinh sát An-30, 31 máy bay huấn luyện L-39, 5 máy bay vận tải Il-76 và 3 chiếc An-26. Ngoài ra còn 14 trực thăng Mi-9, 30 Mi-8 và 2 chiếc Mi-2. Bầu trời Ukraine được canh gác bởi 72 hệ thống tên lửa đất đối không Buk-M1 và 250 hệ thống S-300P/PS/PT.

Mặc dù UAF ngày nay chỉ còn là cái bóng của thời kỳ 1991, Ukraine vẫn nằm trong số ít quốc gia trên thế giới đang hoạt động tất cả các nhánh của không lực, bao gồm máy bay ném bom chiến lược, tiêm kích, cường kích, do thám, vận tải, không người lái, bên cạnh lực lượng tên lửa và chiến tranh điện tử.

Chú thích ảnh
Phi đội Ukraine tham gia cuộc tập trận quốc tế Clear Sky gần căn cứ Ivanno-Frankivsk ngày 14/10/2015. Ảnh: Kyiv Post

Video Tổng thống Ukraine Poroshenko lên máy bay MiG-29 trong lễ kỷ niệm Ngày Không quân năm 2017: 

Ngân sách cho không quân đã đạt 320 triệu USD trong năm 2019, cho phép UAF nối lại dần các chuyến bay huấn luyện thường xuyên. Các phi công chiến đấu Ukraine ngày nay có khoảng 40-60 giờ bay mỗi năm, và tất cả các căn cứ phải tổ chức 2-3 buổi bay huấn luyện mỗi tuần. Họ được hướng dẫn tìm cách bay càng thấp càng tốt để tránh radar Nga. 

Việc tăng chi tiêu quốc phòng cho phép UAF nâng cấp được một số máy bay. Theo nhà sản xuất quốc phòng UkrOboronProm, không lực Ukraine đã nhận trên 50 máy bay đã được sửa chữa, nâng cấp trong năm 2018.

Tuy nhiên, vấn đề chiến lược nghiêm trọng hơn là phi đội máy bay ra đời từ thập niên 1970, 1980 của Ukraine đang đến tuổi “nghỉ hưu”. “Anh không thể cứ sửa và nâng cấp máy bay mãi, hầu hết chúng hiện đã nhiều tuổi hơn cả phi công”, Trung tá Ignat phát biểu và cảnh báo chẳng bao lâu nữa UAF sẽ chẳng còn chiếc phi cơ nào để mà bay và chính phủ cần sớm nghĩ tới việc mua sắm máy bay mới từ nước ngoài.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Quan hệ Ukraine - Nga sẽ ra sao sau bầu cử?
Quan hệ Ukraine - Nga sẽ ra sao sau bầu cử?

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin khẳng định chính sách đối ngoại của nước này sẽ vẫn tập trung với đường lối hướng tới Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho dù là ai đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN