Ukraine bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID cho giáo viên

Ngày 7/10, Ukraine đã ra quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với giáo viên và một số công chức nhà nước trong bối cảnh nước này ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm tăng và tiến độ tiêm chủng chậm chạp. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Y tế Ukraine, giáo viên các trường học, đại học và một số công chức sẽ có 1 tháng để tiêm liều vaccine đầu tiên, nếu không muốn bị đình chỉ công việc mà không được trả lương. Bộ trên cho biết tính đến cuối tháng 9 vừa qua, 46% giáo viên ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko nêu rõ: "Quyết định này là nhằm bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân Ukraine". 

Hiện Ukraine đang sử dụng 4 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Tuy nhiên, chỉ 16% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng. 
Đến nay, Ukraine ghi nhận hơn 2,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 57.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.

Cũng trong ngày 7/10, Burundi thông báo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên trong vài tuần tới.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Burundi Thaddee Ndikumana nêu rõ: "Chúng tôi đã nhận được cam kết từ Liên minh châu Phi (AU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) rằng lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ tới đây trong khoảng thời gian từ ngày 25/10-7/11, nếu mọi chuyện suôn sẻ". 

Ông Ndikumana cho biết chương trình tiêm chủng này nằm trong khuôn khổ kế hoạch mới ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng được các đối tác của nước này đề ra, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Burundi cùng với Eritrea và Triều Tiên là những nước cuối cùng trên thế giới chưa tiến hành tiêm chủng phòng COVID-19. Theo số liệu mới nhất được Chính phủ Burundi công bố hồi tháng 6, nước này có 5.723 ca mắc COVID-19, trong đó có 8 ca tử vong.

Minh Châu (TTXVN)
WHO công bố Chiến lược đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 vào giữa năm 2022
WHO công bố Chiến lược đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 vào giữa năm 2022

Ngày 7/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của WHO nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN