Uber tạm dừng hoạt động tại Vienna, Áo

Hãng cung cấp dịch vụ gọi xe Uber đã tạm dừng hoạt động tại thủ đô Vienna (Áo) sau khi tòa án nước này ban hành lệnh cấm tạm thời đối với Uber vào ngày 25/4.

Các mẫu xe ô tô tự lái của Uber được trưng bày tại Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ ngày 13/9/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ việc trên nằm trong một loạt "đòn đánh" mà các hãng taxi truyền thống tiến hành trên khắp châu Âu nhắm vào Uber với cáo buộc hãng này làm tổn hại hoạt động kinh doanh của họ.

Người phát ngôn của Uber cho biết, hãng tôn trọng quyết định của tòa án Áo và đang nỗ lực thay đổi mô hình hoạt động trong vài ngày tới. Uber dự kiến hãng sẽ nối lại hoạt động tại Vienna vào cuối tuần này.

Khiếu nại chống lại Uber được công ty taxi địa phương là Taxi 40100 đưa ra. Công ty này cho rằng Uber đại diện cho mô hình cạnh tranh không công bằng vì hãng không tuân theo các quy tắc tương tự như các công ty taxi truyền thống trong việc nhận khách.

Uber bắt đầu hoạt động tại châu Âu vào năm 2011, song liên tiếp phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ một số hãng taxi và chính quyền địa phương do cho rằng Uber không tuân thủ các quy định về bảo hiểm, cấp phép và an toàn.
 
Đầu tháng này, Uber đã phải tạm ngưng một trong những dịch vụ của mình tại Hy Lạp,  sau khi nước này siết chặt hơn quy định trong lĩnh vực này. Trong khi đó, hồi tháng Ba, Uber cũng phải tạm ngừng hoạt động tại thủ đô Bratislava của Slovakia.

Hiện thị phần của Uber trong lĩnh vực chia sẻ xe đang bị thay đổi đáng kể khi hãng này quyết định “rút lui” khỏi khu vực Đông Nam Á sau quyết định bàn giao mảng hoạt động kinh doanh tại khu vực này cho Grab. Theo thỏa thuận đạt được ngày 26/3, Uber sẽ chuyển nhượng toàn bộ mảng này cho Grab, để đổi lấy 27,5% cổ phần trong Grab.

Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Grab cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này. Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ hai của Uber tại thị trường châu Á. Trước đó, Uber cũng đã bán các hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, song công ty hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.
 
Minh Trang (theo Reuters, AFP)
Hậu Grab thâu tóm Uber: Taxi Việt cần tập hợp để tạo sức mạnh
Hậu Grab thâu tóm Uber: Taxi Việt cần tập hợp để tạo sức mạnh

Trước khi ứng dụng gọi xe Uber bị thâu tóm bởi Grab, các hãng taxi truyền thống cũng như các ứng dụng gọi xe Việt rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các hãng nước ngoài ngay tại thị trường nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN