Văn phòng Grab (phải) và Uber (trái) tại Singapore ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, ngày 30/3, Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận nói trên do lo ngại thỏa thuận này có thể tạo thế độc quyền cho Grab, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và giới tài xế.
Theo thông báo nói trên, các biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay lập tức, theo đó hai công ty này không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra. Hai doanh nghiệp phải giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin liên quan đến vấn đề định giá, hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế. Đồng thời, ứng dụng Uber sẽ tiếp tục hoạt động cho đến ngày 7/5 nhằm tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi hơn cho các lái xe và khách hàng.
Công ty Grab, hiện có trụ sở tại Singapore, cho biết sẽ hợp tác với chính phủ để thực hiện các biện pháp này. Tuy nhiên, người đứng đầu Grab Singapore, Lim Kell Jay cũng nhấn mạnh các biện pháp tạm thời không nên tạo ra các rào cản đối với sự cạnh tranh và hạn chế các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Singapore trong những năm qua.
Theo thỏa thuận đạt được ngày 26/3, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đổi lại công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ 2 của Uber tại thị trường châu Á. Grab cho biết hãng này sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện, đồng thời sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.