4 ngân hàng khu vực đã rơi vào khủng hoảng kể từ đầu tháng Ba, và 3 trong số đó đã bị các tổ chức khác tiếp quản với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Riêng với ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và ngân hàng Signature Bank (SB), Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã đưa ra quyết định gây tranh cãi là bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm của họ, với lý do lo ngại về sự lây lan khủng hoảng trong hệ thống tài chính nghiêm trọng hơn.
Theo luật, FDIC bảo hiểm nhiều nhất là 250.000 USD tiền gửi của một khách hàng tại các ngân hàng đủ điều kiện, nhưng đối với SVB và SB, cơ quan này bảo hiểm tất cả các khoản tiền gửi, bao gồm cả những khoản vượt quá hạn mức nêu trên.
Tuy nhiên, bất chấp quyết định đó, người tiêu dùng vẫn lo lắng, ông Buffett cho biết tại một cuộc họp cổ đông của tập đoàn Berkshire Hathaway rằng “điều đó không nên xảy ra”.Vị tỷ phú vẫn tiếp tục điều hành tập đoàn của mình ở tuổi 92 cho rằng, vụ việc của SVB cho thấy chính phủ tiếp quản (ngân hàng) và bảo hiểm tiền gửi, nhưng công chúng vẫn còn “bối rối".
Việc “người khổng lồ” ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase tiếp quản khẩn cấp ngân hàng First Republic phần nào giúp ổn định thị trường. Một số ngân hàng quy mô trung bình đã “vào tầm ngắm” của Phố Wall, ví dụ như cổ phiếu của ngân hàng PacWest đã có thời điểm giảm 68% và rồi phục hồi 82% trong phiên giao dịch cuối tuần 5/5.
Trong cuộc họp cổ đông ngày 6/5, Berkshire Hathaway đã báo cáo khoản lợi nhuận khổng lồ 35,5 tỷ USD trong quý I/2023, phần lớn là do thị trường tài chính tăng trưởng mạnh mẽ. Trong ba tháng đầu năm 2023, tập đoàn đã bán số cổ phiếu trị giá 13,2 tỷ USD trong danh mục đầu tư của mình, và chỉ mua 2,8 tỷ USD, giảm đáng kể số cổ phiếu nắm giữ.
Dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Buffett, Berkshire Hathaway đã phát triển từ một công ty dệt may nhỏ được mua lại vào giữa những năm 1960 thành một tập đoàn khổng lồ hiện được định giá hơn 700 tỷ USD.