Theo truyền thông Trung Quốc hôm 10/10, phạm vi của cuộc khảo sát về thay đổi dân số sẽ tập trung vào các khu vực thành thị và nông thôn trên cả nước. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết kế hoạch này sẽ giúp “giám sát chính xác và kịp thời những thay đổi trong phát triển dân số của Trung Quốc và tạo cơ sở cho Đảng Cộng sản cùng chính phủ xây dựng các chính sách liên quan đến dân số, phát triển xã hội và kinh tế quốc gia”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết cuộc khảo sát sẽ diễn ra từ ngày 1/11 và cơ quan chức năng chưa công bố chi tiết số lượng người sẽ được khảo sát. Một cơ quan khảo sát của chính phủ sẽ đến các hộ gia đình để thu thập dữ liệu hoặc yêu cầu người trả lời điền câu hỏi trực tuyến.
Năm 2022 là lần đầu tiên trong 6 thập niên Trung Quốc ghi nhận dân số giảm. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc cũng đang xảy ra tình trạng dân số già hóa nhanh chóng. Do đó, Bắc Kinh đã khẩn trương thử nghiệm một loạt biện pháp nhằm nâng tỷ lệ sinh, bao gồm hỗ trợ tài chính và tăng cường các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Lần gần đây nhất mà Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra dân số 10 năm một lần là vào tháng 11/2020 với kết quả cho thấy dân số tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khảo sát dân số hiện đại đầu tiên vào những năm 1950.
Truyền thông Trung Quốc thường gắn phát triển dân số với sức mạnh và sự “trẻ hóa” của đất nước. Trong khi đó, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã giảm, còn người dân lại lo ngại về những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Chi phí chăm sóc con cái cao và nguy cơ phải hy sinh sự nghiệp đã khiến nhiều phụ nữ không thể sinh thêm con, hoặc thậm chí lựa chọn không sinh con.
Phân biệt giới tính và định kiến truyền thống về việc phụ nữ chăm sóc trẻ em vẫn còn phổ biến khắp quốc gia tỷ dân. Trong những tháng gần đây, chính quyền đã tăng cường tuyên truyền về việc chia sẻ nghĩa vụ nuôi con, nhưng chế độ nghỉ phép của người cha vẫn còn hạn chế ở hầu hết các tỉnh.