Tương lai nào chờ đợi Thái Lan thời hậu Vua Bhumibol?

Vua Bhumibol qua đời cũng đồng nghĩa với khả năng Thái Lan có thể phải bước vào một giai đoạn bất ổn về chính trị, văn hóa và kinh tế. Nguy cơ bất ổn tồi tệ hơn, trong đó có tình trạng bất ổn về dân sự hay quân sự, là có thực.

Tấm ảnh trên trang báo điện tử Nation của Thái Lan để tưởng nhớ Nhà Vua.

Vị Vua trị vì lâu nhất trong lịch sử, Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã qua đời ở tuổi 88 ngày 13/10.

Trong không khí tiếc thương, nhiều báo điện tử Thái Lan đồng loạt chuyển thành màu nền đen trắng, báo The Nation công bố Nhà Vua băng hà với dòng tít: “Cả nước khóc thương sự ra đi của Nhà Vua”, trong khi Bangkok Post viết: “Nhà Vua qua đời”.

Vua Bhumibol đã trị vì trong 7 thập kỷ và được coi như người cha của quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều người dân Thái Lan tôn sùng ông như một vị Phật sống. Thái Lan sẽ có một năm để tang Nhà Vua Bhumibol tính từ ngày hôm nay, 14/10. Nhiều trang web về giáo dục và giải trí sẽ sớm đóng cửa.

Vua Bhumibol qua đời sau một thời gian dài trọng bệnh – những bản tin y tế gần đây cho biết ông mắc các vấn đề về đường hô hấp cũng như gan và thận – và hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong nhiều năm qua.

Vua Bhumibol qua đời cũng đồng nghĩa với việc Thái Lan có thể phải bước vào một giai đoạn bất ổn về chính trị, văn hóa và kinh tế. Nguy cơ bất ổn tồi tệ hơn, trong đó có tình trạng bất ổn về dân sự hay quân sự, là có thực.

Khi Nhà Vua Bhumibol còn sống, hầu hết các nhóm chính trị và xã hội cảm thấy có nghĩa vụ phải duy trì một số loại hình hiệp ước xã hội, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc cúi đầu trước một chế độ quân sự đã lật đổ một chính phủ dân sự vào năm 2014. Nếu không còn Nhà Vua, sẽ rất khó để ngăn các lực lượng khác nhau tái xuất hiện hay được thành lập sau này.

Có thể đó là những cuộc tranh giành giữa những người theo chế độ quân chủ và dân chủ; trận chiến giữa thành phần tri thức ưu tú ở Bangkok và quần chúng dân trí thấp, đặc biệt ở miền Bắc Thái Lan; khả năng trở lại của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, những phần tử Hồi giáo li khai có vũ trang ở miền Nam đất nước; và giữa các nhóm tôn giáo truyền thống và những người đổi mới không theo tôn giáo.

Chính quyền quân sự với tên gọi Hội đồng gìn giữ hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) đã sử dụng lý do chống tham nhũng làm lá chắn cho cuộc đảo chính quân sự lần thứ 12 của Thái Lan kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt năm 1932. Liệu NCPO có làm giảm tham nhũng hay chỉ thay thế việc cầm quyền là một vấn đề gây tranh cãi. NCPO cho thấy sự mất tự do sâu sắc, tăng cường kiểm duyệt, giảm tự do ngôn luận và sử dụng luật “khi quân” hà khắc làm những nhà phê bình nhẹ nhàng nhất im lặng. Tất cả dường như là để xây dựng một chế độ đủ mạnh để đối phó với những “vụ nổ” sắp tới.

Ngoài ra, cũng có nguy cơ xảy ra trận chiến tranh giành quyền kế vị trong Hoàng gia Thái Lan. Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn có vẻ không được lòng dân. Ông có được sự ủng hộ của NCPO nhưng có thể các vị tướng sẽ yêu cầu ông thoái vị và nhường ngôi lại cho em gái là Công chúa Maha Chakri Sirindhorn trong vài năm tới.

Những bất ổn có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Thái Lan vốn là một nước xuất khẩu thực phẩm lớn, nhà thầu phụ lớn trong sản xuất (đặc biệt sản xuất xe ô tô cho các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản), điểm đến du lịch hàng đầu và trung tâm cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp phim ảnh trong khu vực Đông Nam Á.

Sau khi duy trì mạnh trong năm ngoái, đồng baht Thái đã giảm giá trị 3% hồi đầu tháng khi có thông tin về tình hình sức khỏe yếu đi của Nhà Vua Bhumibol. Sự bất ổn hơn nữa có thể làm tăng rủi ro trong kinh doanh ở Thái Lan, và làm giảm giá đồng baht.

Trần Minh
Truyền thông Thái Lan đồng loạt đổi màu đen trắng để quốc tang
Truyền thông Thái Lan đồng loạt đổi màu đen trắng để quốc tang

Trong không khí tiếc thương trước sự ra đi của Nhà Vua Bhumibol Adulyadej, các đài truyền hình và báo điện tử Thái Lan đồng loạt chuyển màu nền sang đen trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN