Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại, chủ nghĩa đơn phương leo thang, tổ chức này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 1/1/1995, với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng, WTO đã thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng, qua đó thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, vai trò và hoạt động của WTO đang bị lung lay trong bối cảnh chủ nghĩa toàn cầu hóa có dấu hiệu thoái trào và sự bất đồng lợi ích giữa các nước thành viên. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng lớn trong WTO - ngày càng ủng hộ chủ nghĩa đơn phương với trọng tâm là chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Tổng thống Trump tỏ ra không tin tưởng các tổ chức đa phương nói chung và WTO nói riêng, cho rằng các thỏa thuận trong khuôn khổ WTO khiến Mỹ phải chấp nhận thương mại không công bằng với các đối tác chỉ vì vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, ông chủ trương rút khỏi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), không ít lần bày tỏ sự thất vọng về WTO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức này.
Để gây sức ép đối với tổ chức thương mại đa phương này, Mỹ đã giới hạn các nguồn lực ngân sách cho năm tới chỉ đủ để kéo dài nhiệm kỳ của các thẩm phán hiện tại cho đến khoảng tháng 3/2020. Việc Mỹ ngăn chặn WTO bổ nhiệm thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm WTO đã chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện tại của WTO. Kể từ ngày 11/12/2019, cơ quan phúc thẩm WTO - cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu - đã rơi vào tình trạng tê liệt, vì chỉ còn một thẩm phán, trong khi quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động. WTO vì thế sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm là xu hướng các nước tự đơn phương đáp trả lẫn nhau.
Việc Mỹ vô hiệu hóa khả năng phán quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO vô hình trung mở đường cho tất cả các quốc gia được thiết lập quy tắc riêng của mình về thương mại, đe dọa ban hành một loạt biện pháp thuế quan và thuế chống trợ cấp mới, cũng như các hành động đơn phương khác, bao gồm cả việc rút khỏi những thỏa thuận nhượng bộ thuế quan hiện hành. Thiếu vắng cơ quan phúc thẩm để lắng nghe, giải quyết tranh chấp và ban hành các quy chế thưởng phạt, có khả năng các bên tranh chấp sẽ đưa vấn đề của họ vào vòng “đối đầu” riêng và châm ngòi các cuộc chiến thương mại.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua đã khơi mào cho vòng xoáy áp thuế-trả đũa và các biện pháp mang tính trừng phạt lẫn nhau, đe dọa thương mại toàn cầu. Những điều này đặt WTO đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong việc giữ vững vai trò để duy trì trật tự thương mại thế giới. Trung Quốc đã ba lần khiếu nại Mỹ lên WTO về vấn đề thuế quan, song quá trình phân xử kéo dài đã cho thấy sự bế tắc của tổ chức này trong việc giải quyết tranh chấp. Sau một thời gian dài căng thẳng với hàng loạt biện pháp đáp trả bằng thuế quan khiến kinh tế thế giới chao đảo, xung đột thương mại Mỹ-Trung đã có dấu hiệu lắng dịu với việc hai bên nhất trí ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào năm tới. Tuy nhiên, kết quả tích cực này lại đến từ các cuộc đàm phán thương mại song phương, thay vì vai trò phán quyết của WTO.
Hiện nay, WTO còn đang đối mặt với thách thức rất lớn trong vấn đề đàm phán. Việc đạt được đồng thuận giữa các nước thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Afghanistan, Ấn Độ… trong soạn thảo các hiệp định thương mại dường như là không thể. Theo quy định, các thành viên có thể tự chỉ định mình là các quốc gia “đang phát triển”, giúp các nước này nhận sự đối xử ưu đãi trong nhiều vấn đề gây tranh cãi, như trợ cấp xuất khẩu và tỷ lệ thuế suất thấp hơn, thậm chí được phép tự do thực hiện các biện pháp can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế quốc gia mà các nền kinh tế phát triển không được phép. Đây là nguyên nhân khiến Mỹ không coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là một quốc gia đang phát triển.
Trên thực tế, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phàn nàn về cơ chế của WTO. Nhiều quốc gia khác cũng thất vọng khi WTO thất bại trong việc hiện đại hóa một thỏa thuận để giải quyết các vấn đề như thương mại kỹ thuật số hay các khoản trợ cấp. Một thực trạng hiện nay là nhóm cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada và Australia đang dần biến các cuộc đàm phán của WTO nhằm phục vụ những lợi ích cốt lõi riêng. Điển hình như việc Mỹ muốn đảm bảo rằng các công ty công nghệ lớn của Mỹ tiếp tục thống trị thương mại điện tử toàn cầu, nên Washington muốn thông qua các quy tắc mới đảm bảo các quốc gia khác không áp dụng thuế kỹ thuật số đối với giao dịch truyền điện tử, hoặc quy định điều kiện lưu trữ dữ liệu trong các máy chủ trong nước.
Sự bế tắc giữa Mỹ và các thành viên WTO khác, bao gồm cả EU và Trung Quốc, đang góp phần làm tê liệt tòa án hàng đầu thế giới này. EU đã đề xuất tạo ra một tòa án tạm thời, dựa trên các quy tắc của WTO và sự tham gia tự nguyện, để nhân rộng các chức năng của Cơ quan phúc thẩm và ra các quyết định ràng buộc, song Mỹ phản đối động thái này. Châu Âu ủng hộ một tòa án thương mại toàn cầu, trong khi Washington muốn có cơ chế trọng tài đặc biệt cho mỗi tranh chấp. Sự chia rẽ giữa các nước thành viên cho thấy nhiệm vụ cải cách là vấn đề cấp bách để cho phép WTO vẫn là nhân tố chủ chốt trong hệ thống đa phương.
Mặc dù chưa thật sự hiệu quả, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của WTO trong việc thúc đẩy chủ nghĩa thương mại đa phương với nhiều quốc gia đã được hưởng lợi lớn từ khi gia nhập tổ chức. Khi vai trò lãnh đạo của WTO bị lu mờ thì cả hệ thống thương mại toàn cầu cũng trong tình trạng nguy hiểm. Để giải quyết khủng hoảng hiện nay, cải cách là biện pháp duy nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều xung đột thương mại và chia rẽ, nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khiến tương lai của tổ chức này còn nhiều gập ghềnh.