Theo quan chức WHO, dự kiến Palestine sẽ nhận được 37.000 liều vaccine phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất từ giữa tháng 2, trong khi Tunisia sẽ nhận được 93.600 liều. Khu vực Đông Địa Trung Hải theo phân chia của WHO bao gồm các nước Afghanistan, Pakistan, Somalia và Djibouti, cũng như các quốc gia Trung Đông.
Trả lời phỏng vấn, ông Rick Brennan nhấn mạnh vaccine đang thiếu hụt, lượng vaccine sẵn có và vấn đề tài chính chưa đảm bảo, việc chậm cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn đã làm tăng nguy cơ lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan cao hơn và khó điều trị hơn.
Sau khi cấp phép vaccine của Pfizer/BioNTech để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, WHO đang nỗ lực đánh giá các loại vaccine khác rẻ hơn có thể được cung cấp thông qua COVAX. Tổ chức này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu vào đầu tháng 4 và tiêm chủng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao vào giữa năm.
Chương trình chia sẻ vaccine COVAX được WHO và liên minh vaccine GAVI thúc đẩy để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, có một "khoảng cách rất lớn" giữa kế hoạch triển khai vaccine ở các nước giàu và những nước có thu nhập thấp hơn hoặc những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột.