Lễ hội bắt đầu từ đầu tuần này với các hoạt động tôn giáo nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với các vị vua cổ đại của Vương quốc Sukhothai và màn biểu diễn múa truyền thống do hàng trăm vũ công thực hiện. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động như tổ chức cuộc thi làm những chiếc đèn hoa (krathong) từ hoa lá tự nhiên, trang trí đèn lồng, thắp nến xung quanh các di tích cổ, biểu diễn văn nghệ và màn trình diễn pháo hoa vào các buổi tối. Ngoài ra, giống như mọi lễ hội ở Thái Lan, sẽ có rất nhiều gian hàng bày bán các món ăn đặc sắc, truyền thống.
Sau sự kiện được tổ chức tại tỉnh Sukhothai, lễ hội Loy Krathong được tổ chức tại hầu khắp các tỉnh thành ở Thái Lan, đặc biệt trong ngày Rằm tháng 12 (theo lịch Thái Lan, Dương lịch là ngày 8/11) với ý nghĩa bày tỏ sự biết ơn đối với thần Nước Phra Mae Kongkha – vị nữ thần theo truyền thuyết cai quản các con sông ở Vương quốc Thái Lan.
Tại thủ đô Bangkok, nhà chức trách thông báo mở cửa 33 công viên từ sáng sớm cho tới nửa đêm để người dân có thể tới thực hiện các nghi thức thả krathong xuống sông hay hồ nước. Vào dịp lễ này, người dân Thái Lan khoác lên mình những trang phục truyền thống đẹp nhất của họ và cùng gia đình, người thân, bạn bè tới sông, hồ để bày tỏ lòng biết ơn với thần Nước và thả krathong. Người dân Thái Lan tin rằng những chiếc đèn hoa thả xuống nước sẽ giúp cuốn trôi tất cả những rủi ro, muộn phiền của năm cũ theo dòng nước và có được nhiều may mắn trong năm tiếp theo.
Trong khi đó, các tỉnh miền Bắc Thái Lan cũng bước vào tuần lễ thả hoa đăng lên trời với tên gọi Yi Peng. Người dân địa phương sẽ làm các đèn lồng với hình dáng đa dạng, mẫu mã tinh tế và bắt mắt để thả lên bầu trời. Những chiếc đèn bay lên trời với niềm tin điều không may và muộn phiền sẽ được gột tẩy, cùng đèn trời bay đi.
Lễ hội Loy Krathong và Yi Peng rực rỡ sắc màu đã trở thành biểu tượng văn hóa đẹp của Thái Lan bởi đây không chỉ là ngày lễ để người dân xứ sở Chùa Vàng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên mà còn là dịp để ông bà, bố mẹ dạy con cháu về lòng biết ơn đối với thiên nhiên.