Từ thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Bắc Kinh bước vào kỷ nguyên không khí sạch

Từng bị coi là thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới, giờ đây, chất lượng không khí ở siêu đô thị 21 triệu dân của Trung Quốc đã cải thiện rõ rệt.

Chú thích ảnh
Trung tâm thành phố Bắc Kinh hôm 30/7 vừa qua. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN (Mỹ), từng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, luôn chìm trong khói bụi dày đặc và bầu không khí mờ đục, giờ đây, người dân Bắc Kinh đã được tận hưởng bầu không khí trong lành với bầu trời xanh ngắt, một dấu hiệu cho thấy thủ đô Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên không khí sạch mới.

“Bắc Kinh xanh sắp dần trở thành bình thường mới của chúng ta”, ông Huang Runqiu, Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, tuyên bố hôm 18/8, khi thành phố ghi nhận chất lượng không khí hàng tháng tốt nhất từ khi nước này tiến hành đo đạc từ năm 2013 đến nay. “Dù các thành phố của Trung Quốc từ lâu đã đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, nhưng điều đó đã được cải thiện ổn định trong những năm qua”, ông Huang nói.

Vào năm ngoái, Bắc Kinh chỉ ghi nhận 10 ngày ô nhiễm không khí nặng nề, giảm gần 80% kể từ năm 2015. Những bức ảnh gần đây từ Bắc Kinh cũng cho thấy bầu trời đã trở nên trong xanh giữa nắng hè, từng là điều hiếm thấy ở thành phố khoảng 21 triệu dân.

Sự thay đổi về chất lượng không khí của Bắc Kinh cho thấy chiến dịch chống ô nhiễm của nước này đã đạt được thành tựu đáng kể từ khi được triển khai vào năm 2013. Vào năm đó, Bắc Kinh đã phải hứng chịu "tai tiếng ô nhiễm không khí", khi chỉ số nồng độ bụi mịn trong không khí PM 2.5 đạt 900 microgam/m2, cao gấp 90 lần mức khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ô nhiễm không khí trầm trọng tại thủ đô của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu và trở thành vấn đề cấp bách ở quốc gia này. Trong nhiều năm, tình trạng ô nhiễm tại đây đã được ví một cách hoa mỹ như “sương mù” và khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Các chỉ số PM2.5 cao ngất ngưởng khiến nhiều người phải sắp xếp cuộc sống theo thời điểm mức độ ô nhiễm khác nhau. Nhưng giờ đây, họ đã không còn phải chịu đựng việc hít thở khó khăn dưới bầu không khí ô nhiễm nặng nề.

Video: Toàn cảnh khói bụi bao trùm Bắc Kinh hồi năm 2017 (Nguồn: CNN):

Ông Daniel Gardner, Giáo sư danh dự tại Đại học Smith, tác giả cuốn sách "Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc: Điều mọi người cần biết" cho hay: “Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh không chỉ đơn giản khiến người dân gặp phải những cơn ho khó chịu, mà nó còn tồi tệ hơn nhiều. Khi bị ho, đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang hấp thụ các vật chất dạng hạt có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong. Giờ đây, tôi nghĩ rằng mọi người đã bắt đầu cảm thấy chất lượng không khí rất khác với năm 2013”.

Bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào kế hoạch hành động chống ô nhiễm không khí quốc gia. Đến năm 2014, Trung Quốc đã tuyên bố "cuộc chiến chống ô nhiễm" trên toàn quốc. 

Quốc gia này đã ban hành nhiều quy định mới, tập trung vào 6 hướng chính, bao gồm kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm khói bụi, phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm và ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.

Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông, thiết lập các hệ thống giao thông xanh và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đưa các loại phương tiên giao thông sử dụng năng lượng sạch vào hoạt động.

Chú thích ảnh
Một du khách đeo khẩu trang nhìn Tử Cấm Thành qua làn sương khói dày đặc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/1/2013. Ảnh: CNN

Để kiểm soát ô nhiễm đốt than, chính quyền khuyến kích xây dựng dự án sử dụng khí gas và các nhiên liệu sạch để thay thế sử dụng than, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để sưởi ấm, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công ngiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.

Bắc Kinh cũng thiết lập các trạm quan trắc không khí trên toàn quốc, thực hiện ngăn chặn bụi từ các công trường xây dựng và niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi. Ngoài ra, thành phố này đã tăng lượng bao phủ cây xanh trong khu vực và vùng lân cận lên tới hàng trăm km2.

Và giờ đây, dù Bắc Kinh đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc cải thiện bầu không khí, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Giới quan sát cho rằng thật khó để chắc chắn rằng sự cải thiện không khí này đang diễn ra trên toàn quốc, hay chỉ đang chuyển từ Bắc Kinh sang những khu vực khác. Đặc biệt khi Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch mở cửa hàng chục lò đốt than và các nhà máy điện trong năm nay.

Hải Vân/Báo Tin tức
Trung Quốc cảnh báo nguy cơ không khí luân chuyển giữa các toà nhà mang virus SARS-CoV-2
Trung Quốc cảnh báo nguy cơ không khí luân chuyển giữa các toà nhà mang virus SARS-CoV-2

Nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc đã gióng hồi chuông cảnh báo đối với nguy cơ lây truyền bệnh COVID-19 qua hạt sol khí giữa các toà nhà được làm nơi cách ly song gần sát nhau. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN