Theo tờ China Daily, họ cũng phát hiện rằng việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua hạt sol khí (aerosol) – giọt chất lỏng siêu nhỏ chứa virus bay lơ lửng trong không khí – nhiều khả năng được trợ giúp bởi hoạt động của máy điều hoà không khí cũng như động tác đóng hoặc mở cửa và cửa sổ.
Do đó, việc giám sát luồng không khí tại các khu cách ly cho người mắc COVID-19 cũng như vấn đề khử trùng tại đây cần được tăng cường hơn nữa.
Nghiên cứu này được công bố trên trang web China CDC Weekly của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc ngày 20/8. Đây là kết quả nghiên cứu chung giữa CDC Trung Quốc và các nhân viên kiểm soát dịch bệnh tại thành phố Quảng Châu.
Hồi tháng 5, một người ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Châu, bị nghi ngờ đã lây nhiễm virus từ hạt sol khí của một bệnh nhân COVID-19 nằm trong một toà nhà khác biệt ở cùng bệnh viện. Cả hai đều từ nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.
Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, hai người này được cách ly tại hai toà nhà sát nhau, nằm cách nhau chỉ 50 cm và chung một phần trần nhà bên ngoài, tạo thành một không gian khá khép kín.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã tiến hành một thí nghiệm thực địa tại bệnh viện. Họ sử dụng các vi cầu huỳnh quang để mô phỏng và quan sát sự khuếch tán của các hạt sol khí trong không khí, sau đó xác định đường truyền của chúng.
Kết quả thử nghiệm cho thấy hoạt động của máy điều hòa không khí, hoạt động đóng, mở cửa ra vào và cửa sổ cũng như hoạt động di chuyển thường xuyên của con người đều có thể ảnh hưởng đến sự lan truyền của hạt sol khí chứa virus giữa các tòa nhà ở gần nhau.
Báo cáo của họ kết luận: “Hệ thống thông gió càng tốt, tốc độ truyền càng nhanh”.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, CDC Trung Quốc đề xuất rằng cần duy trì không gian phù hợp giữa các khu cách ly và các khu điều trị ngoại trú thông thường tại bệnh viện.
Ngoài ra, cần kiểm tra cách bố trí luồng không khí trong các khu cách ly và tăng cường các biện pháp khử trùng để giảm nguy cơ lây truyền virus qua không khí.