Theo trang The Guardian (Anh), thành phố Mainz - với khoảng 217.000 dân, thuộc bang Rhineland-Palatinate, phía tây nước Đức - đã phải gánh một khoản nợ chồng chất kể từ đầu những năm 90, khi giới chức đã vay một khoản tiền lên tới 1,4 tỉ USD. Trong năm đầu tiên của đại dịch, khoản nợ của thành phố bên sông Rhine đã tăng thêm 33 triệu USD chỉ tính riêng tiền lãi.
Tuy nhiên, sự thành công của BioNTech - công ty do hai vợ chồng nhà khoa học Uğur Şahin và Özlem Türeci sáng lập, hợp tác cùng gã khổng lồ dược phẩm Pfizer để thử nghiệm và sản xuất vaccine COVID-19 vào năm 2020 - đã thay đổi vận mệnh của Mainz.
Thay vì mức bội chi ngân sách năm 2021 dự kiến là 40 triệu USD, mùa đông này, giới chức thành phố đã công bố thặng dư ngân sách 1,3 tỉ USD. Với khoản thặng dư 6 triệu USD khác dự kiến vào năm 2022, Mainz hy vọng sẽ xóa khoản nợ còn lại của mình trong vòng một năm.
Dù không công bố BioNTech là điều giúp Mainz làm được điều này, do phải tuân theo luật bảo mật thuế ở Đức, song sự thành công của công ty tạo ra loại vaccine đầu tiên được chấp thuận ở phương Tây không phải là điều bí mật. Từ tháng 1- 9/2021, BioNTech đã thu được gần 12 tỉ USD lợi nhuận trước thuế, trong đó đã phải trả 3,2 tỉ USD tiền thuế.
Trước đại dịch COVID-19, món quà chính của Mainz tặng cho thế giới là máy in. Nhà phát minh của thành phố Johannes Gutenberg đã phát triển ra loại máy in di động cơ học đầu tiên trên thế giới vào khoảng năm 1440. Thị trưởng thành phố Mainz, Michael Ebling, cho biết sự phát triển thay đổi cuộc chơi của vaccine mRNA của BioNTech, có tầm quan trọng không kém phát minh máy in.
Ebling cho biết ông muốn sử dụng tiền thuế để thanh toán các khoản nợ của thành phố, thay vì đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ngoạn mục. “Giáng sinh có thể đến với chúng tôi, nhưng đối với thành phố Mainz, bây giờ không phải là lúc để vẽ ra những điều ước. Việc giảm thuế sẽ giúp tôn vinh những thành tựu mà thành phố đã cống hiến cho thế giới”, ông Ebling nói.
Cùng với việc thúc đẩy vai trò của Mainz trong cuộc cách mạng in ấn, kế hoạch lớn nhất của Ebling là biến Mainz thành trung tâm công nghệ sinh học toàn cầu, dựa trên thành công có sẵn của các nhà sản xuất vaccine. Một khu đất rộng 12 hecta gần trụ sở của BioNTech, phòng khám đại học và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, đã được “nhắm” đến để biến điều ước này trở thành hiện thực.
Trong 10 năm tới, thành phố hy vọng sẽ tạo ra 5.000 việc làm mới, một phần bằng cách thu hút các công ty đến đầu tư thông qua mức thuế doanh nghiệp thấp hơn nhiều các thành phố khác. Mainz có kế hoạch cắt giảm thuế suất doanh nghiệp từ 440 xuống 310 điểm phần trăm, cho đến nay là mức thấp nhất trong số các thành phố của Đức.
Giới chức cho rằng việc cắt giảm thuế là món quà không chỉ dành cho các công ty khoa học khởi nghiệp đang tìm kiếm ngôi nhà mới, mà còn cho những công ty nhỏ đang vật lộn với đại dịch.
Tuy nhiên, quyết định sử dụng nguồn tài chính để cắt giảm thuế suất doanh nghiệp của Mainz đang vấp phải chỉ trích. Các chính trị gia chỉ trích Mainz “thiếu đoàn kết”, trong khi các nhà kinh tế dự đoán động thái này có thể kích hoạt cuộc chạy đua khốc liệt giữa các thành phố của Đức.
René Geissler, Giáo sư Quản lý công tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kỹ thuật ở Wildau, nhận định: “Có thể hiểu được rằng Mainz đã giảm thuế suất, nhưng các chính trị gia đang chỉ trích mức giảm này. Điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn để các thành phố khác phải làm theo”.