Hoàng quý phi bị thất sủng
Chỉ trong vòng ba tháng sau khi Sineenat, một người từng làm y tá và là một phi công giỏi, được phong làm Hoàng quý phi Thái Lan, Công báo Hoàng gia Thái Lan đã thông báo: “Đức Vua đã giám sát hành vi của Hoàng quý phi từ đó và thấy bà thiếu lòng biết ơn và không có hành động phù hợp vị trí. Bà không hài lòng với vị trí được phong và đã tìm mọi cách để thể hiện mình như là Hoàng hậu”.
Thông báo về việc Hoàng quý phi mất mọi tước hiệu và lời giải thích như trên đã khiến dư luận Thái Lan sốc, không chỉ vì thông báo này chi tiết chưa từng có tiền lệ mà còn vì bà Sineenat ngày càng có vai trò kể từ khi những bức ảnh thân mật giữa bà và Nhà vua Maha Vajiralongkorn (Rama X) được đăng trên trang web Hoàng gia Thái Lan hồi tháng 8. Các bức ảnh chụp bà Sineenat lái trực thăng, bắn súng và nhảy dù đã lan truyền nhanh chóng ở Thái Lan.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, lý do chính xác về việc bà Sineenat bị thất sủng có thể mãi mãi không được tiết lộ, nhất là khi Thái Lan có luật nghiêm khắc bỏ tù 15 năm với ai chỉ trích hoàng gia. Đài truyền hình Thái Lan chỉ đưa tin nội dung thông báo trên Công báo Hoàng gia mà không bình luận gì thêm.
Dù vậy, thông báo trên Công báo cho thấy rõ ràng mối quan hệ căng thẳng đã gia tăng giữa Hoàng quý phi và Hoàng hậu Suthida. Bà Suthida 41 tuổi là vợ thứ tư của Đức Vua Thái Lan và là cựu tiếp viên hàng không hãng Thai Airways. Chỉ hai tháng sau khi bà Suthida được phong Hoàng hậu, bà Sineenat đã trở thành Hoàng quý phi đầu tiên của Thái Lan trong gần một thế kỷ.
Mặc dù dư luận Thái Lan có thể sốc trước quyết định liên quan tới bà Sineenat nhưng một số người đã dự báo từ trước là bà Sineenat sẽ trở thành mục tiêu tấn công của một số người trong Hoàng gia khi bà ngày càng nổi tiếng.
Tước vị Hoàng quý phi không giúp bà Sineenat được đối xử như thành viên hoàng gia. Bà chỉ là một phần của Hoàng gia Thái Lan nhưng lại không phải là một trong số họ. Tuy nhiên, bà phải thực hiện một số nhiệm vụ trước công chúng. Do đó, các nhà quan sát cho rằng không sớm thì muộn cũng sẽ có xung đột trong hoàng gia.
Trong những tuần gần đây, những hoạt động trước công chúng đã khiến hình ảnh của bà gần gũi hơn với người dân Thái Lan. Sau khi bị thất sủng, bà nhận được cả sự chỉ trích lẫn cảm thông của người dân. Khi mất tước vị hoàng gia, trách nhiệm trước công chúng của bà cũng sẽ giảm.
Ông Paul Chambers, nhà phân tích tại Đại học Naresuan, nhận định với tờ The Guardian: Động thái đột ngột tước bỏ danh hiệu hoàng gia với bà Sineenat cho thấy Nhà vua sẽ không chịu đựng những chia rẽ trong Hoàng gia.
Khi thường dân bước chân vào hoàng gia
Các nhà quan sát ví việc bà Sineenat bị thất sủng đột ngột với những gì mà vợ thứ ba của Nhà vua Thái Lan đã trải qua. Bà Srirasmi Suwadee không xuất hiện trước công chúng từ khi ly hôn tháng 12/2014. Họ hàng của bà bị bắt và cáo buộc tội lạm dụng vị thế hoàng gia để trục lợi cá nhân. Nhà vua cũng từ mặt vợ thứ hai và các con trai chung.
Trường hợp của Hoàng quý phi Sineenat cũng khiến người ta nghĩ tới sự kiện Quốc vương Muhammad V của Malaysia thoái vị hồi tháng 1 sau khi kết hôn với cựu hoa khôi Nga Oksana Voevodina. Chỉ vài tháng sau vụ thoái vị gây sốc, cặp đôi kết thúc bằng một cuộc ly hôn.
Những trường hợp nói trên lại dấy lên cuộc tranh luận về những khó khăn mà thường dân phải đối mặt khi kết hôn với thành viên hoàng gia, không chỉ ở châu Á mà còn ở cả châu Âu.
Tân Hoàng hậu Nhật Bản Masako – thường dân thứ hai kết hôn với người thừa kế ngai vàng Nhật Bản – gần đây đã công khai thừa nhận những khó khăn bà gặp phải để thích nghi với cuộc sống hoàng gia.
Công nương Meghan Markle, cựu diễn viên người Mỹ, cũng mới trải lòng về khó khăn khi làm dâu Hoàng gia Anh.
Khi nói công khai về những khó khăn nay, cả bà Masako và Markle đều được so sánh với cố Công nương Diana. Bà Diana đã ly dị với người thừa kế ngai vàng Anh sau khi trả lời phỏng vấn kênh BBC về những vất vả trong quá trình thích nghi với cuộc sống hoàng gia.
Sự cố của bà Sineenat là lời nhắc nhở mới nhất về những thăng trầm chờ đợi thường dân có tham vọng bước chân vào một trong 26 hoàng gia cuối cùng trên thế giới.
Ông Saad Salman, sáng lập viên trang web The Royal Watcher, nói: “Hoàng gia là thể chế vô cùng đặc biệt, tồn tại hàng nghìn năm nay với nhiều áp lực và trách nhiệm chỉ hoàng gia mới có. Đây là lý do tại sao mà các thành viên hoàng gia thường chỉ kết hôn với người cùng tầng lớp”.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thường dân lấy thành viên hoàng gia. Họ phải trải qua những áp lực mà họ không có kinh nghiệm và thường phải vất vả thích nghi.
Là thành viên hoàng gia nghĩa là phải học cách thực hiện chức năng chính thức, ngoại giao với quan chức, tương tác với dân chúng, ăn mặc phù hợp và quảng bá hình ảnh quốc gia. Thành viên hoàng gia có nhiều đặc ân nhưng trách nhiệm cũng rất lớn. Bản thân hôn nhân đã đòi hỏi con người phải điều chỉnh nhưng càng khó hơn khi vừa phải điều chỉnh dưới con mắt soi mói của công chúng vừa phải học vai trò mới.
Có một số cuộc hôn nhân hoàng gia thành công, ví dụ như giữa Hoàng tử Anh William và Công nương Kate Middleton. Hai người đã khiến Hoàng gia Anh được yêu thích hơn kể từ khi Công nương Diana qua đời. Tuy vậy, nhiều cuộc hôn nhân trải qua vấn đề khó khăn.
Ví dụ như em dâu của Công nương Middleton là Meghan Markle đã gây ồn ào trên báo chí Anh khi trả lời phỏng vấn và thừa nhận cô đang gặp khó khăn để thích nghi cuộc sống Hoàng gia Anh. Nhiều tờ báo coi lời nói này là biểu hiện của việc cô không biết ơn với đặc ân mình nhận được.
Tuy nhiên, so sánh hai cuộc hôn nhân trong Hoàng gia Anh là bất công vì hoàn cảnh khác nhau.
Từ khi Meghan Markle bước chân vào hoàng gia, cô là nạn nhân của những tin tức ác ý. Các thành viên Hoàng gia Anh khác như nữ Công tước xứ Cornwall và nữ Công tước xứ Cambridge (Kate Middleton) cũng đều là nạn nhân của báo chí nhưng đều vượt qua nhờ sự hỗ trợ của gia đình, bè bạn.
Với Markle, gia đình cô lại chính là người gây ra những tin tức không hay cho cô khiến cô cảm thấy bị cô lập.
Các thường dân muốn kết hôn với thành viên hoàng gia có thể cảm thấy áp lực cho dù họ xuất thân từ đâu.
Cô dâu Mette-Marit của Hoàng gia Na Uy và Hoàng hậu Nhật Bản Masako là hai điển hình. Mette-Marit là mẹ đơn thân khi kết hôn với Hoàng tử kế vị Haakon năm 2001 và bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Một tuần trước đám cưới, cô thừa nhận và xin lỗi công chúng vì lỗi lầm quá khứ, nhờ đó thái độ dư luận thay đổi và bớt chỉ trích.
Trái lại, bà Masako lại là một nhà ngoại giao tài giỏi khi kết hôn với Hoàng tử kế vị Naruhito năm 1993, nhưng bà cũng bị áp lực căng thẳng về việc phải sinh con trai, tới mức bà bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh và từng sảy thai.
Với những trường hợp trên, ông Saad Salman có một lời khuyên cho những thường dân vẫn chưa từ bỏ ý định bước chân vào hoàng gia: “Đây là công việc cả đời. Tốt nhất là thích nghi từ từ và tự xây dựng nền tảng bản thân, đừng dễ bị kích động và đừng làm mọi thứ theo ý mình mà không có thời gian thích nghi”.