Các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/4 ở tất cả 23 quận và 6 thành phố thuộc thủ đô Tokyo, 9 thành phố thuộc tỉnh Okinawa và thành phố Kyoto thuộc tỉnh Kyoto. Dự kiến, các biện pháp này sẽ được dỡ bỏ ở các tỉnh Kyoto và Okinawa vào ngày 5/5, và ở thủ đô Tokyo vào ngày 11/5.
Ở những khu vực phòng dịch trọng điểm, các cơ sở kinh doanh ăn uống sẽ phải rút ngắn thời gian hoạt động và đóng cửa trước 20h. Các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt, trong khi các cơ sở tuân thủ sẽ được hỗ trợ tài chính tùy thuộc vào quy mô của từng cơ sở. Bên cạnh đó, số người tham dự các sự kiện thể thao, giải trí cũng sẽ bị giới hạn ở mức 5.000 người. Ngoài ra, người dân cũng được yêu cầu hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Trước đó, ngày 8/4, chính quyền thủ đô Tokyo đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vì số ca nhiễm mới ở thành phố này đã tăng mạnh trở lại sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ hôm 13/3.
Theo Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, ba tỉnh giáp thủ đô Tokyo, gồm Kanagawa, Chiba and Saitama, có thể đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.
Hiện nay, dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều địa phương của Nhật Bản. Ngày 8/4, nước này ghi nhận hơn 3.447 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Tokyo có 545 ca và tỉnh Osaka có 905 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày.
Riêng tại thủ đô Tokyo, các chuyên gia y tế đang lo ngại về sự xuất hiện của một biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn của virus SARS-CoV-2. Họ cho biết có khoảng 1/3 trong số 158 mẫu bệnh phẩm lấy từ các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 có chứa các biến thể N501Y.
Ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ về các biện pháp phòng dịch COVID-19, cảnh báo nếu các biện pháp phòng dịch trọng điểm không phát huy hiệu quả, người dân không tuân thủ các lời kêu gọi hạn chế đi ra ngoài đường và hoạt động đi lại về đêm không giảm, Nhật Bản có thể sẽ cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp một lần nữa.