Trung Quốc tiếp tục đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Anh

Ngày 10/1, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo nước này tiếp tục đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp được phát hiện tại quốc gia châu Âu này.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo CAAC, quyết định gia hạn này có hiệu lực từ ngày 11/1. CAAC yêu cầu các hãng hàng không trong và ngoài nước phối hợp thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc hoàn vé và đổi chuyến cho hành khách bị ảnh hưởng. 

Hồi cuối tháng 12 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Trung Quốc quyết định ngừng các chuyến bay đến và đi từ Anh để phòng ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan và điều chỉnh linh hoạt các biện pháp kiểm soát tùy theo tình hình.

Trong ngày 10/1, Trung Quốc đại lục thông báo thêm 69 ca mắc mới COVID-19, cao hơn gấp đôi con số 33 ca ghi nhận một ngày trước đó. Hiện Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 87.433 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong. Trong tuần qua, tỉnh Hà Bắc giáp thủ đô Bắc Kinh này đã được đặt vào trạng thái thời chiến nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh. 

* Ấn Độ sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào ngày 16/1, sau các lễ hội như Lohri, Makar Sankranti, Pongal, Magh Bihu, trong đó dành ưu tiên cho khoảng 30 triệu nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu.

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tuyên bố của Trung tâm báo chí quốc gia Ấn Độ cho biết quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp cấp cao vào chiều 9/1 do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước cũng như công tác chuẩn bị tiêm chủng của các bang và lãnh thổ liên bang.

Chương trình chủng ngừa COVID-19 của Ấn Độ sẽ ưu tiên các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, ước tính khoảng 30 triệu người, tiếp theo là những người trên 50 tuổi và các nhóm dân số dưới 50 tuổi có bệnh lý nền, khoảng 270 triệu người.

Đến nay, hơn 61.000 người quản lý chương trình, 200.000 nhân viên tiêm chủng và 370.000 thành viên khác trong đội ngũ tiêm chủng đã được tập huấn trong khuôn khổ chương trình đào tạo tiêm chủng ở cấp bang, cấp quận huyện và cấp khu vực. 

Ngày 3/1 vừa qua, Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước đối với các vaccine Covishield của đại học Oxford-AstraZeneca (đều thuộc Anh) và Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ).

Hiện Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã có 50 triệu liều vaccine được đóng gói sẵn tại nhà máy Pune và 50 triệu liều khác đã sẵn sàng để đóng gói. SII có khả năng sản xuất khoảng 60-70 triệu liều/tháng và con số này có thể tăng lên đến 100 triệu sau khi một nhà máy thứ ba đi vào hoạt động ở gần cơ sở hiện hành.

Trong một cuộc họp gần đây với Bộ trưởng Y tế, các bang đã nêu ra một số trục trặc mà họ gặp phải trong quá trình tập dượt chương trình tiêm chủng vaccine trên toàn quốc. Bang Chhattisgarh cho biết họ có các vấn đề về mạng ở các khu vực vành đai bộ lạc, trong khi Telangana đối mặt với các vấn đề phần mềm. Jammu và Kashmir cho rằng phần lớn các khu vực trong bang này chỉ có kết nối 2G, điều gây khó khăn cho việc sử dụng Co-Win, một ứng dụng để triển khai chương trình tiêm chủng. Bộ Y tế Ấn Độ đã đảm bảo với các bang sẽ giải quyết những vấn đề như vậy trước khi triển khai tiêm vaccine.

Phương Oanh - Huy Lê (TTXVN)
Ấn Độ áp dụng ‘đối sách ngoại giao vaccine’ với Trung Quốc
Ấn Độ áp dụng ‘đối sách ngoại giao vaccine’ với Trung Quốc

Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu vaccine COVID-19 do nước này sản xuất bao gồm Covishield và Covaxin sang các nước láng giềng càng sớm càng tốt để củng cố vị thế trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN