Trung Quốc 'thờ ơ' với cảnh báo về nền kinh tế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Các quan chức Trung Quốc đang tỏ ra không quan tâm đến những cảnh báo rằng, tranh chấp thương mại với Mỹ có thể kéo lùi đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Dương Sơn ở miền đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Hồi đầu tuần này, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo lên một nấc thang mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 công bố áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ còn đánh thuế tiếp nếu Bắc Kinh dám trả đũa.

Tính đến hiện tại, lượng hàng hóa bị áp thuế của Trung Quốc vào khoảng 250 tỷ USD – tương đương 50% tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của quốc gia châu Á này sang Mỹ và đóng góp khoảng 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, diễn biến leo thang này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới giảm 0,5 điểm phần trăm. Trước đó vào tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm từ 6,9% hồi năm 2017 xuống 6,4% trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Oxford Economics, nếu Tổng thống Donald Trump thực sự áp thuế lên toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ phải chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP rơi xuống còn 5,8% vào năm tới. Đây sẽ là mức tăng GDP thấp nhất của nước này kể từ năm 1990.

Dù vẫn còn những hy vọng hai bên có thể tháo gỡ những khúc mắc, ông Kuijs cảnh báo triển vọng cho một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh còn khá mong manh, đặc biệt khi Nhà Trắng đang tỏ ra họ có thể giành ưu thế trong cuộc chiến thương mại này.

Trong khi đó, nhà kinh tế cấp cao Mark Williams tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics nhận định Bắc Kinh đã đối phó khá tốt với “cơn bão” thuế quan tính đến thời điểm hiện tại. Điều này một phần là nhờ đồng nhân dân tệ (NDT) của nước này đã mất gần 10% giá trị so với đồng USD kể từ tháng Tư tới nay, qua đó bù đắp phần nào những tác động của các biện pháp thuế quan.

Bên cạnh đó, ông Williams cũng nói thêm rằng các công ty Mỹ vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc, vì có rất ít nguồn cung thay thế cho một phần khá lớn (khoảng 50%) số hàng hóa bị áp thuế.

Giới chuyên gia cũng cho rằng các nhà chức trách Trung Quốc dự kiến sẽ có nhiều biện pháp để thúc đẩy nhu cầu trong nước, như giảm thuế thu nhập, tăng mức chiết khẩu thuế xuất khẩu, đẩy mạnh tài trợ cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và khuyến khích các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay.

Nhưng bất chấp những dự báo tăng trưởng có phần kém lạc quan nêu trên, Trung Quốc vẫn tỏ ra vững vàng và tự tin ngay cả khi Tổng thống Mỹ Trump khẳng định rằng Bắc Kinh đang suy yếu và sẽ phải chịu thua tại các cuộc đàm phán thương mại .

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 19/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận rằng nước này đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn hơn trong việc duy trì tăng trưởng ổn định khi phải cùng lúc phải chống chọi những biện pháp thuế quan của của Mỹ. Dù vậy, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng lên tiếng tin tưởng vào khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể vượt qua những trở ngại này.

Trái ngược với những ý kiến của giới chuyên gia, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ không tiến hành thực hiện các gói kích thích kinh tế lớn như nước này đã từng dùng để đối phó những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 10 năm. Ông cũng nói rằng những đồn đoán về việc Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng NDT là “vô căn cứ” vì điều này gây ra thiệt hại nhiều hơn lợi ích cho Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương của thế giới cần phải được duy trì, và các hành động thương mại đơn phương sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Fang Xinghai trả lời phỏng vấn báo giới đã lên tiếng khẳng định ngay cả khi Washington đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn có rất nhiều chính sách tiền tệ và công cụ tài chính để giảm thiểu tác động của những động thái áp thuế. Ông Phương Tinh Hải cho biết chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất và tin rằng nền kinh tế sẽ vẫn ổn định trong thời gian tới.

H.Thủy (Theo AFP)
Sáu kế trả đũa của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
Sáu kế trả đũa của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

Trên thực tế, giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ gấp 4 lần số hàng hóa Washington xuất khẩu sang Bắc Kinh. Do vậy, có thể thấy Trung Quốc gặp nhiều hạn chế trong việc trả đũa thương mại. Tuy nhiên, vẫn có 6 phương kế để Trung Quốc đáp trả Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN