Trung Quốc tăng cường không quân tại biên giới giáp Ấn Độ

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng thông tin chi tiết về động thái tăng cường phòng không ở vùng biên giới phía Tây đồng thời trực tiếp đề cập đến quốc gia hàng xóm Ấn Độ.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 20/2 dẫn lời một chuyên gia quân sự nhận định Bắc Kinh đang nâng cấp phòng không tại Bộ chỉ huy Chiến khu Miền Tây “để đề phòng mối đe dọa từ Ấn Độ”.

Nội dung bài báo đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu xuất phát từ các hình ảnh do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc công bố ngày 13/1 về tiêm kích J-10 và chiến đấu cơ J-11 luyện tập trên vùng trời phía Tây nước này.

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chuyên gia quân sự người Trung Quốc Zhongping Song nhận định trên tờ Thời báo Hoàn cầu: “Bởi Ấn Độ đang nhập khẩu nhiều máy bay quân sự mới do vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường chiến đấu cơ ở Bộ chỉ huy Chiến khu Miền Tây”.

Kênh CNN (Mỹ) đánh giá đây được coi là tín hiệu đáng chú ý sau sự kiện căng thẳng liên quan đến lãnh thổ giữa hai quốc gia hàng xóm tại khu vực Doklam gần biên giới Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan trong mùa hè năm 2017.

Theo Thống chế Không quân Ấn Độ đã về hưu, ông M. Matheswaran, tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã được sử dụng tại khu vực Tây Tạng trong hơn 5 năm do vậy thời điểm truyền thông Trung Quốc đưa tin rơi vào tháng 2/2018 có thể coi là một “ám chỉ”.

Ông Matheswaran nói: “Không phải Ấn Độ đe dọa Trung Quốc mà chính Bắc Kinh đang hăm dọa New Delhi”.

CNN đánh giá J-11 của Trung Quốc là câu trả lời đối với tiêm kích Sukhoi-30 của Ấn Độ. Trong khi Trung Quốc tự nhận rằng J-11 là chiến đấu cơ thế hệ 3.5 và vượt trội hơn máy bay quân sự thế hệ thứ 3 của Ấn Độ nhưng ông Matheswaran đánh giá cả hai quốc gia trên thực tế đều đang vận hành “chiến đấu cơ thế hệ thứ 4”.

Vào đầu tháng 2 này, Trung Quốc còn tuyên bố chiến đấu cơ tàng hình mới nhất do nước này sản xuất, chiếc J-20 thế hệ thứ 4 đã sẵn sàng “nhập ngũ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về bài báo đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu và nhấn mạnh rằng cơ quan này chỉ phản hồi về những tuyên bố chính thức từ Chính phủ Trung Quốc.

Ông Kanti Prasad Bajpai tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đánh giá bài đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu - phiên bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) - có thể coi là tín hiệu của Bắc Kinh gửi đến New Delhi rằng “Doklam chưa kết thúc”.

Trong tháng 6/2017, 16 quân nhân Trung Quốc và nhiều công nhân xây dựng đã thi công một con đường qua cao nguyên Doklam nằm tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự việc này châm ngòi cho 10 tuần căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia hàng xóm đều cử binh sĩ “trông coi” sát sao nhau ở biên giới. Đến ngày 28/8, cả hai quốc gia quyết định rút quân sau các cuộc đàm phán bí mật giữa Bắc Kinh và New Delhi dẫn tới kết quả ngừng thi công con đường tại Doklam.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trực thăng Mỹ vận chuyển chiến binh IS tại Syria
Trực thăng Mỹ vận chuyển chiến binh IS tại Syria

Một đoạn video xuất hện trên internet đã cho thấy hình ảnh trực thăng của Mỹ hạ cánh tại nhà tù ở Syria để vận chuyển các tù nhân là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN