Trung Quốc siết chặt xuất khẩu hàng sang Triều Tiên

Trung Quốc quyết định siết chặt các lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào CHDCND Triều Tiên, với việc cho công bố danh sách các mặt hàng, công nghệ cấm xuất khẩu sang nước này. Đây là các loại hàng hóa thuộc diện có thể được dùng để chế tạo vũ khí. Động thái này cho thấy Bắc Kinh đang tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng phải tái cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân, tham gia các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí.

Nữ binh sĩ Triều Tiên trên đường tuần tra tại khu bờ sông giáp ranh với thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP


Danh sách dài 236 trang đăng trên trang web của Bộ Công thương Trung Quốc ngày hôm nay, 24/9, mô tả chi tiết các mặt hàng thuộc diện cấm, đáng chú ý là các mặt hàng mang tính lưỡng dụng, có thể được sử dụng trong lĩnh vực hạt nhân, tên lửa đạn đạo, sinh học, hóa học. Thông báo của Bộ này cũng cho biết, việc công bố danh sách là nhằm thúc đẩy việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Triều Tiên được thông qua hồi năm 2006.

Trong quá khứ, do không muốn gây thêm khó khăn đối với nước láng giềng bị cô lập, lo ngại khả năng xảy ra bất ổn định trên tuyến biên giới phía bắc, Trung Quốc thường lên tiếng chỉ trích các lệnh cấm vận ngặt nghèo nhằm vào Triều Tiên. Mỹ và phương Tây đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh không thực thi lệnh cấm vận một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi. Trung Quốc cảm thấy như bị chọc giận khi mà Triều Tiên liên tục có các hành động qua mặt, điển hình là việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12/2012, liền sau đó là vụ thử hạt nhân lần thứ ba tháng 1/2013. Chính vì vậy, tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đồng ý siết chặt các lệnh cấm vận quốc tế và cam kết sẽ có các biện pháp mạnh hơn nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.

Diễn biến mới nhất này cho thấy mối mối quan hệ Trung-Triều không còn đạt được mức độ thân thiện như dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il.  Kể từ khi lên nắm quyền tháng 12/2011, Chủ tịch Kim Jong Un đã nhiều lần làm Bắc Kinh bực dọc khi từ chối đề xuất, hối thúc tiến hành cải cách kinh tế và quay trở lại đàm phán hạt nhân.

Trong vài tháng qua, giới chức Mỹ liên tục thúc giục Trung Quốc thực thi chặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Triều Tiên, với các chuyến thăm dồn dập tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng John Kerry, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách James Miller và đặc phái viên trưởng về Triều Tiên Glyn Davies, nhằm thực hiện sứ mệnh vận động hành lang.

Những nỗ lực này đã mang lại kết quả, với việc các nhân viên hải quan Trung Quốc giờ đây đang tăng cường việc kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, kể cả hàng hóa xa xỉ phục vụ nhu cầu của giới lãnh đạo Triều Tiên.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cung cấp hầu như toàn bộ nguồn năng lượng, 83% hàng nhập khẩu thiết yếu của Triều Tiên - từ máy móc hạng nặng cho tới ngũ cốc, hàng tiêu dùng.

Hồi giữa hè, quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có dấu hiệu được cải thiện. Thế nhưng, truyền thông Trung Quốc và giới học giả nước này một lần nữa lại lên tiếng chỉ trích Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng hồi tuần trước đưa ra đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân mà không có điều kiện ràng buộc trước.

Mỹ và các bên liên quan cho biết không hào hứng về viễn cảnh ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng mà không có một cam kết rõ ràng nào được đưa ra; nhất là việc tuân thủ thỏa thuận năm 2005 về chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ, vốn sau đó đã bị đổ bể vào năm 2008.


HT (ABCNews)

Triều Tiên thử động cơ tên lửa tầm xa
Triều Tiên thử động cơ tên lửa tầm xa

Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Bình Nhưỡng đã thử một động cơ tên lửa tầm xa hồi tháng 8 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN