Tập đoàn Huaneng của Trung Quốc đang xây dựng dự án điện than 4 gigawatt trị giá 1,9 tỷ USD gần thành phố Qingyang nhằm cung cấp thêm điện cho phía đông nước này.
Dự án nhà máy điện Zhengning đã được tái khởi động trong tháng 7 năm nay, 4 năm sau khi bị đóng băng.
Trung Quốc từng cam kết chấm dứt sử dụng điện than để giảm lượng khí thải nhà kính. Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 9 đã khiến thế giới bất ngờ khi cam kết Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu không thải carbon vào năm 2060.
Tại tỉnh Cam Túc, có ba nhà máy điện than đã đóng cửa từ năm 2017, bị phá sản vì chi phí môi trường tăng, trong khi năng lượng tái tạo lại ngày càng rẻ hơn.
Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kinh lại lo lắng về an ninh năng lượng, việc làm và tăng trưởng, đặc biệt là khi đang phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết việc tái khởi động phát triển điện than tại Trung Quốc bắt nguồn từ chính sách kinh tế và khí hậu ở nước này.
Trung Quốc đã tăng cường các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện nên nhà máy điện Zhengning dường như không thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu không thải carbon của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã loại bỏ những nhà máy điện than quá cũ và thay thế bằng những cơ sở mới hiệu quả hơn, đốt ít than đồng thời cung cấp nguồn điện cần thiết để hỗ trợ nước này trong giai đoạn chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo.
Trung Quốc vẫn bổ sung 11,4 gigawatt điện than trong 6 tháng đầu năm 2020. Nghiên cứu của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu cho thấy của các nhà máy điện than với tổng công suất gần 250 GW đang được phát triển tại Trung Quốc.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã giảm áp lực với Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc thành công trong đạt mục tiêu về khí hậu có thể dẫn đến tình trạng tự thỏa mãn trong các nhà lập pháp của nước này. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu về carbon trong quãng thời gian 2005-2020 nhanh trước 3 năm so với thời hạn.