Trong thông cáo báo chí ngày 22/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh thông tin của hãng tin Reuters (Anh) cho rằng cảng Đại Liên ở miền Bắc Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than từ Australia "là không đúng sự thật".
Các cảng của nước này "vẫn đang tiếp nhận những tờ khai nhập khẩu than đá từ tất cả các quốc gia, trong đó có Australia".
Ông cho biết thêm hải quan Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực nhằm kiểm định và giám sát chất lượng, độ an toàn của than đá nhập khẩu trong những năm gần đây bởi mặt hàng này đôi khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường.
Với bước đi này, Bắc Kinh hướng tới mục tiêu đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích của các nhà nhập khẩu Trung Quốc, cũng như bảo vệ môi trường tốt hơn.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nhấn mạnh "không có căn cứ để tin rằng có một lệnh cấm" đối với việc nhập khẩu than đá của Australia.
Canberra tin và hiểu rằng thông tin về việc giới hạn hạn ngạch nhập khẩu than phù hợp với mức mà Trung Quốc đã áp dụng trước đây, cũng như sẽ tiếp tục áp dụng trong thời gian tới, và thực hiện một cách công bằng với tất cả các quốc gia.
Bộ trưởng Birmingham cho biết thêm đây không phải lần đầu tiên các lô hàng than xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc bị chậm trong quá trình xử lý các thủ tục hải quan. Do đó, không thể suy diễn thành các vấn đề khác không liên quan.
Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh "không có bất kỳ bằng chứng nào" về việc các lô hàng nhập khẩu than từ Australia chưa được thông quan vào Trung Quốc có liên quan tới các vấn đề khác giữa hai nước.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Reuters ngày 21/2 đưa tin cơ quan hải quan tại Đại Liên đã cấm hoạt động nhập khẩu than Australia và sẽ giới hạn tổng lượng than nhập khẩu từ tất cả các nguồn đến cuối năm 2019 ở mức 12 triệu tấn.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và than đá là nguồn xuất khẩu có giá trị lớn nhất tại quốc gia châu Đại Dương giàu tài nguyên này.