Ông Jacqueline Tao tại nhóm tư vấn Wood Mackenzie (Anh) ngày 25/9 nhận định: “Thực tế nhu cầu năng lượng này càng tăng và tình hình trong khu vực đồng nghĩa với việc phải sau năm 2030 chúng ta mới thấy tiêu thụ năng lượng than đá suy giảm ở Đông Nam Á. Ở thời điểm này, than đá vẫn là 'vua' trong thị trường năng lượng Đông Nam Á”.
Kênh CNBC (Mỹ) cho biết các nhà hoạt động môi trường từ lâu đã chỉ trích ngành khai thác than đá gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu than đá trên toàn cầu vẫn tăng trong năm thứ hai liên tiếp và đạt 0,7% trong năm 2018.
Trong báo cáo đăng tải vào tháng 12/2018, IEA dự đoán việc sử dụng than đá sẽ tiếp diễn đến năm 2023 và ở mức ổn định. Đông Nam Á vẫn tăng trưởng tiêu thụ than đá trong khi Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ đang giảm nhu cầu. Nhu cầu than đá vẫn tăng ở một số địa điểm ở châu Á bởi phù hợp xét trên phương diện kinh tế và dễ tìm nguồn cung.
Theo Wood Mackenzie, than đá không những vẫn duy trì vị thế hàng đầu trong ngành năng lượng ở Đông Nam Á mà sẽ còn tăng trưởng và “đạt đỉnh” năm 2027 trước khi xuống dốc. Theo đó, đến năm 2040, than đá có thể chiếm 36% trong sản xuất năng lượng tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi các chính phủ cam kết chuyển sang nguồn năng lượng sạch thì giới ngân hàng trở nên “chùn chân” hơn khi cấp tài chính cho các dự án than đá. Do đó, năng lượng tái tạo dự kiến ngày càng tạo được vị thế hơn.
Wood Mackenzie ước tính rằng đến năm 2040, năng lượng Mặt Trời và gió sẽ giữ vị trí tiên phong và chiếm 35% tại Đông Nam Á. Đầu tư về năng lượng gió và Mặt Trời sẽ chiếm 23% tổng đầu tư năng lượng, trên 89 tỷ USD từ năm 2019-2040.
Năng lượng tái tạo vẫn sẽ tăng trưởng mặc dù có một số nhược điểm khi khai thác tại Đông Nam Á. Đó là tình trạng không đủ ánh nắng Mặt Trời hoặc năng lượng gió cho các nhà máy khai thác. Trong khi các nhà máy năng lượng tái tạo có thể tích trữ năng lượng dự phòng thì vẫn tồn tại thách thức về công nghệ và giá thành để vận hành những nhà máy này.
Trung Quốc chủ trương đến năm 2023 giảm tiêu thụ than đá. Nhưng trong khi giảm năng lượng từ than đá ở quê nhà, Trung Quốc lại đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng than đá ở nước ngoài, trong đó là nhiều quốc gia có liên quan tới sáng kiến “Vành đai, Con đường” như Lào, Indonesia, Myanmar.
Indonesia là trường hợp được chú ý bởi mục tiêu về năng lượng sạch tại quốc gia này được đánh giá “khó để đạt được”. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2025 sản sinh 23% điện từ năng lượng tái tạo trong khi hiện nay con số này là 12%.
Các nhà phân tích của Moody’s Investors Service nhận định năng lượng từ than đá còn nhận được trợ cấp từ Chính phủ Indonesia khiến mức giá hấp dẫn hơn. Một vấn đề khác là mức thuế áp dụng với các dự án năng lượng tái tạo.