Theo thống kê của Bloomberg, sự sụt giảm chạm mức thấp nhất trong lịch sử của giá dầu thế giới trong tháng này đã khiến việc định giá than đá đắt hơn giá dầu thô toàn cầu trên cơ sở đương lượng năng lượng.
Theo đó, than tại cảng Newcastle (Australia) trên sàn giao dịch năng lượng ICE Future của châu Âu được định giá ở mức 66,85 USD/tấn vào hôm 20/3, trong khi giá dầu chỉ còn ở mức 27,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng đã chững lại ở mức 26,98 USD/thùng.
Tại Mỹ và châu Âu, việc sử dụng than đá đã giảm do khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo rẻ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng loại nhiên liệu này vẫn tiếp tục gia tăng ở châu Á. Đây cũng là nhiên liệu hóa thạch rẻ nhất cho các thị trưởng khan hiếm năng lượng, mặc dù than đá được coi là nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất, thải ra lượng carbon dioxide gấp đôi so với khí tự nhiên và nhiều hơn 30% so với xăng khi đốt.
Hợp đồng than đá tại cảng Newcastle thường được sử dụng cho nhu cầu phát điện, trong đó các yếu tố cơ bản về cung cầu của than đá cũng khác với thị trường dầu mỏ. Việc hủy các chuyến bay và hạn chế đi lại của các quốc gia trên thế giới có thể đã cắt giảm tới 20% nhu cầu sử dụng xăng dầu toàn cầu. Saudi Arabia và Nga được dự đoán sắp tới có nguy cơ thừa dầu do nguồn cung thừa thãi. Các thị trường năng lượng tại châu Á với những khách hàng tiêu thụ than đá đường biển lớn nhất cũng đang trở nên sôi nổi hơn.
Trước đó, giữa bối cảnh các nước trên thế giới tăng cường phong toả nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giá dầu thế giới đã sụt giảm rõ rệt trong phiên ngày 18/3, trong đó giá dầu thô của Mỹ chạm mức thấp nhất sau 18 năm, điều này đã tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu.
Saudi Arabia cam kết sẽ bơm thêm hàng triệu thùng dầu vào thị trường. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu ít tiến triển vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Kênh RT (Nga) cho biết nhiều nhà phân tích đánh giá rằng kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái.
Standard Chartered đánh giá: “Trong tuần qua, nhiều quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ ra quy định hạn chế rời khỏi nhà để chống COVID-19, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nhu cầu về tiêu thụ nhiên liệu, đặc biệt là dầu mỏ”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng tháng 4 là thời điểm nguồn cung dầu chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Standard Chartered dự đoán nhu cầu về dầu sẽ giảm đỉnh điểm 10,4 triệu thùng/ngày vào tháng 4 và nhu cầu trung bình năm sẽ giảm 3,39 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Trong khi đó, công ty tư vấn Mỹ Eurasia Group lại nhận định trong vài tuần và vài tháng tới, nhu cầu về dầu có thể giảm 25 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích Giovanni Serio tại công ty Thụy Sĩ Vitol nhận định: “Nhu cầu giảm và nguồn cung dồi dào có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nơi tích trữ dầu”.
Theo công ty Rystad Energy (Na Uy), tình trạng ảm đạm hiện nay có thể khiến 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ ở châu Âu phá sản.