Trong một tuyên bố ra ngày 21/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nêu rõ: "Chúng tôi hối thúc Mỹ dừng ngay việc bôi nhọ phía Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng'", đồng thời cho biết bộ này đã gửi công hàm phản đối cáo buộc trên.
Bắc Kinh cho rằng Washington nên hủy bỏ việc truy tố 2 đối tượng "để tránh gây phương hại nghiêm trọng tới quan hệ giữa hai nước". Theo người phát ngôn trên, Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ tiến hành tấn công mạng nhằm vào nhiều nước khác.
Một ngày trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hai tin tặc được cho là người Trung Quốc đã tấn công mạng nhằm vào những công ty chuyên hỗ trợ các tổ chức khác quản lý hệ thống công nghệ thông tin. Điều này có nguy cơ tạo lỗ hổng cho các tin tặc đột nhập vào mạng lưới máy tính của hàng chục công ty.
Bộ Tư pháp Mỹ không nêu rõ những công ty bị tấn công mạng, song cho biết có 45 nạn nhân ở Mỹ, bao gồm cả những cơ quan chủ chốt của nước này, trong đó có hải quân Mỹ, một phòng thí nghiệm của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley thuộc Bộ Năng lượng.
Tại những nước khác, các tin tặc trên đã tiếp cận trái phép máy tính của một ngân hàng lớn, một số công ty viễn thông, sản xuất đồ điện tử, khai khoáng và chăm sóc sức khỏe. Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai tin tặc trên là thành viên nhóm có tên gọi là APT10 mà Mỹ, Anh và nhiều đồng minh khác cáo buộc là do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
Từ ít nhất năm 2006-2018, nhóm APT10 "tiến hành nhiều chiến dịch lớn xâm nhập vào các hệ thống máy tính trên khắp thế giới". Nhóm này cũng bị cáo buộc đánh cắp hàng trăm gigabytes thông tin và dữ liệu nhạy cảm từ các mục tiêu bị tấn công.
Trước đây, các chính phủ phương Tây, bao gồm cả các nước đồng minh của Mỹ như Anh và Australia, đều cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cảnh báo các nước khác ngừng đưa ra những tuyên bố tương tự để tránh làm tổn hại quan hệ song phương.