Trung Quốc lên kế hoạch tái cơ cấu nguồn cung thịt 

Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị tái cơ cấu hệ thống sản xuất và phân phối thịt sau khủng hoảng dịch COVID-19 (nCoV) gần đây.

Chú thích ảnh
Người dân mua thực phẩm tại chợ ngoài trời ở thủ đô Bắc Kinh ngày 2/2, sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: AFP

Dẫn lời các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng đa quốc gia Jefferies (Hong Kong, Trung Quốc), báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Trung Quốc có thể tái cơ cấu hệ thống sản xuất và phân phối thịt bằng cách chấm dứt hoạt động với những nhà sản xuất nhỏ lẻ. Thay vào đó, họ lựa chọn các trang trại chăn nuôi động vật quy mô lớn. Các cơ sở sản xuất thực phẩm chay cũng được cho là hưởng lợi từ động thái này.

Trong báo cáo ngày 10/2, các nhà phân tích của Jefferies cho biết chính phủ Trung Quốc đang tiếp cận một vài nhà nhập khẩu thịt, đề xuất với họ cơ hội thành lập các nhà máy chế biến thịt đạt tiêu chuẩn tiên tiến tại đại lục. Giới chức cũng điều động các chuyên gia vào việc thiết lập dây chuyền sản xuất chế biến thịt để tư vấn các phương thức quốc tế tốt nhất về an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi hy vọng trong bối cảnh gặp các vấn đề gần đây, chính phủ sẽ có những thông báo mới về phương thức giết mổ động vật tại thành phố/khu chợ. Kế hoạch mới sẽ đưa dây chuyền sản xuất thịt vào tay các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước lớn”, báo cáo Jefferies đề cập. Kế hoạch dự kiến triển khai sau khi dịch COVID-19 suy yếu dần.

Ý tưởng lên kế hoạch mới nảy sinh sau khi Trung Quốc phải đối mặt với loạt nguy cơ đối với sức khỏe như dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, làm ảnh hưởng đến nguồn cung và an ninh thịt của quốc gia. Theo ngân hàng Jefferies, 5 tỉnh tại Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa các điểm buôn bán và giết mổ gia cầm sống, trong khi dịch tả lợn châu Phi đã buộc chính phủ phải tiêu hủy hầu hết con vật này vào năm 2019.

Jefferies cho biết các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhà nước như WH Group, Wens, Muyuan và COFCO, sẽ là những đơn vị hưởng lợi chính trong kế hoạch sắp tới này. 

Sự thay đổi trên cũng có khả năng khiến người tiêu dùng thay đổi chế độ ăn, chuyển sang tiếp nhận các dạng protein từ thực vật.

“Mọi người sẽ chú ý hơn về thực phẩm mà họ tiêu thụ. Tôi có thể tự tin nói rằng nhu cầu về thức ăn lành mạnh sẽ tăng đột biến tại Trung Quốc khi nhận thức về an toàn thực phẩm được đưa lên một cấp độ hoàn toàn mới”, David Yeung – người sáng lập Green Common chuyên bán thực phẩm chay tại Hong Kong – chia sẻ.

Theo ông Arun Sundaram làm việc tại CFRA Research, một công ty nghiên cứu đầu tư độc lập, việc chuyển đổi có thể mất thời gian, Ông ước tính Trung Quốc sẽ mất hơn 5 năm để khôi phục lượng thực phẩm chứa đạm động vật trong nước sau dịch tả lợn châu Phi vừa qua.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thịt lợn - Mối lo ngại lớn của Trung Quốc trong năm 2020
Thịt lợn - Mối lo ngại lớn của Trung Quốc trong năm 2020

Trong khi trên thế giới đón năm 2020 với rượu và pháo hoa thì nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc lại bận rộn đi thanh tra thị trường thịt lợn, nỗi lo lớn nhất trong năm mới của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN