Trung Quốc khởi công xây dựng tổ máy điện hạt nhân mới ở miền Nam

Ngày 23/5, Trung Quốc đã khởi công xây dựng hai tổ máy điện hạt nhân mới tại Thành phố cảng Phòng Thành Cảng (Fangchenggang).

Chú thích ảnh
Cảng Phòng Thành Cảng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, phía nam Trung Quốc. Ảnh: english.news.cn

Việc triển khai xây dựng các tổ máy này, sử dụng công nghệ Hoa Long 1 thế hệ thứ ba do Trung Quốc tự phát triển, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng cơ sở năng lượng hạt nhân chủ chốt của quốc gia.

Theo công ty Guangxi Fangchenggang Nuclear Power Co., Ltd, các tổ máy số 5 và số 6 mới tại nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng, mỗi tổ có công suất hơn 1,2 triệu kilowatt, được kỳ vọng sẽ tạo ra tổng cộng 20 tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm sau khi hoàn thành.

Nằm ở Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, dự án Phòng Thành Cảng dự kiến có tổng cộng 6 tổ máy điện hạt nhân. Hai tổ máy đầu tiên đã đi vào hoạt động từ năm 2016, trong khi tổ máy số 3 và số 4, đều sử dụng công nghệ Hoa Long 1, lần lượt đi vào vận hành vào năm 2023 và 2024.

Tính đến cuối tháng 3/2025, bốn tổ máy đang hoạt động tại Phòng Thành Cảng đã sản xuất hơn 160 tỷ kilowatt-giờ điện. Lượng điện này tương đương với việc tiết kiệm trên 48 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm khoảng 131 triệu tấn khí thải CO2, cho thấy hiệu quả môi trường đáng kể.

Ông Yang Changli, Chủ tịch tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc, đơn vị sở hữu dự án Phòng Thành Cảng cho biết, chuỗi công nghiệp Hoa Long 1 đã giúp sản xuất trong nước hơn 400 linh kiện chủ chốt với sự tham gia của hơn 5.400 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. 

Một khi hoàn tất, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng sẽ có tổng công suất lắp đặt 6,9 triệu kilowatt với sản lượng điện hằng năm 53 tỷ kilowatt-giờ. Các chuyên gia cho rằng việc mở rộng này sẽ góp phần đáng kể vào chuyển đối  năng lượng và phát triển kinh tế chất lượng cao tại Quảng Tây. 

Theo dữ liệu của Cục năng lượng quốc gia (NEA), trong năm 2024, sản lượng điện hạt  nhân của Trung Quốc đạt 450,9 tỉ kilowatt-giờ, mức tăng 3,7% so với năm 2023 và chiếm 4,5% tổng sản lượng điện của cả nước. Kết quả này giúp tiết kiệm 140 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm khoảng 370 triệu tấn khí thải CO2.

Thúc Anh   (TTXVN)
Cấp điện hạt nhân trên Mặt Trăng: Cuộc đua quyền lực mới giữa Mỹ - Trung Quốc
Cấp điện hạt nhân trên Mặt Trăng: Cuộc đua quyền lực mới giữa Mỹ - Trung Quốc

Trung Quốc lần đầu tiên công bố tham vọng hạt nhân trên Mặt Trăng trong khi NASA có lộ trình xây dựng nhà máy phân hạch vào đầu những năm 2030 nhằm cấp điện cho hoạt động định cư trên thiên thể này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN