Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên, Mỹ sớm đối thoại trực tiếp

Trung Quốc hy vọng Triều Tiên và Mỹ sẽ sớm tiến hành đối thoại trực tiếp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đưa ra lời kêu gọi trên trong buổi họp báo ngày 27/2 trong bối cảnh có thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đối thoại với Triều Tiên chỉ có thể diễn ra dưới điều kiện thích hợp, sau khi Bình Nhưỡng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gần đây đã giảm bớt và Trung Quốc hy vọng điều này có thể được duy trì sau thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic), giúp các bên liên quan quay trở lại quỹ đạo giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn chung của Triều Tiên, Hàn Quốc, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Theo người phát ngôn Lục Khảng, Bắc Kinh hy vọng đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể được mở rộng thành đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Người phát ngôn này nêu rõ: "Sau tất cả, vấn đề cốt lõi trên Bán đảo Triều Tiên là an ninh và Mỹ cùng Triều Tiên là 2 nước nắm chìa khóa để giải quyết vấn đề". Vì vậy, Bắc Kinh mong muốn các cuộc đối thoại kiểu này giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm được tổ chức. Washington và Bình Nhưỡng cần hợp tác nhằm đạt được các kết quả có lợi thông qua đối thoại hiệu quả.

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Theo bà, thông điệp nhất quán của Seoul là Bình Nhưỡng phải đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu Triều Tiên làm được điều đó, Hàn Quốc sẵn sàng cùng phối hợp hướng tới một tương lai tươi sáng hơn và thịnh vượng cho Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này đã báo cáo lên Liên hợp quốc (LHQ) về hoạt động tình nghi chuyển hàng hóa ở ngoài khơi Biển Hoa Đông hồi cuối tuần qua giữa các tàu chở dầu đăng ký ở Triều Tiên và Maldives, vốn vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ. Đây là vụ thứ 4 mà máy bay Nhật Bản phát hiện khi tuần tra vùng biển này trong những tuần gần đây.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, máy bay P-3C thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã quan sát thấy 2 tàu sáng đèn đậu sát cạnh nhau trong đêm 24/2, ở khu vực cách thành phố Thượng Hải của Trung Quốc khoảng 250 km về phía Đông. Tàu chở dầu của Triều Tiên được xác định là tàu Chon Ma San, có tên trong danh sách trừng phạt đơn phương mới nhất được Mỹ công bố hôm 23/2 nhằm vào Bình Nhưỡng. Bộ này cho biết thêm tên Chon Ma San đã bị xóa khỏi thân tàu. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã công bố các bức ảnh ghi lại hai con tàu sát cạnh nhau vào đêm 24/2 và di chuyển riêng rẽ vào sáng 25/2.

Kể từ cuối tháng 1 vừa qua, Nhật Bản đã phát hiện các tàu của Triều Tiên trên Biển Hoa Đông, dường như chuyển hàng hóa với các tàu chở dầu đăng ký tại Belize và Dominica, cũng như với một tàu nhỏ hơn không được xác định có in dòng chữ liên quan tới một cảng ở Trung Quốc. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản mới đây cho hay, Tokyo đã đề nghị Mỹ và Hàn Quốc chia sẻ gánh nặng trong công tác giám sát Biển Hoa Đông nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển trái phép trên.

TTXVN/Báo Tin tức
Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên ‘nặng chưa từng có’ của Mỹ?
Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên ‘nặng chưa từng có’ của Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là “nặng nhất từ trước tới nay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN