Trung Quốc đẩy mạnh mua sắm khí tài quân sự của Nga

Tại triển lãm hàng không Chu Hải, diễn ra tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 6 - 9/11, Bắc Kinh và Moskva đã ký thêm 3 hợp đồng vũ khí mới, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái Yunying trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ảnh: Mô hình máy bay không người lái CH-7 trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc Rosoboronexport, tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí của nhà nước Nga, ông Alexander Mikheev cho biết: "Rosoboronexport hy vọng việc tham gia triển lãm lần này sẽ tạo thêm động lực cho xu hướng tích cực trong mối quan hệ Nga-Trung trong lĩnh vực hợp tác công nghệ quân sự".

Tháng 9 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt quân đội Trung Quốc do mua máy bay tiêm kích và các hệ thống tên lửa của Nga, coi đây là hành động vi phạm luật trừng phạt Nga mà Mỹ áp đặt với cáo buộc Moskva can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Bất chấp lệnh trừng phạt này, người phát ngôn của Rosoboronexport Vladimir Kryuchkov khẳng định các thương vụ vũ khí Trung -Nga vẫn đang được thảo luận. Theo ông Kryuchkov, quan hệ đối tác này cũng được mở rộng từ lĩnh vực mua sắm các vũ khí ban đầu cho tới nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. 

Chú thích ảnh
Đội bay nhào lộn trên không Bayi của Trung Quốc bay biểu diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải ngày 7/11/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, đại diện phái đoàn của Nga tham dự triển lãm hàng không Chu Hải, ông Viktor Kladov thông báo Nga sẽ hoàn tất việc chuyển giao máy bay tiêm kích SU-35 và hệ thống phòng không S-400 muộn nhất vào năm 2020. Ngoài ra, Nga cũng có thể thành lập một trung tâm bảo dưỡng ở Trung Quốc dành cho các hệ thống tên lửa S-300 và S-400. Ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, nhận định mọi mưu toan của các nước thứ ba nhằm can thiệp vào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đều không mang lại kết quả, và phía Bắc Kinh xem những âm mưu này là một nhân tố của sự cạnh tranh không công bằng.

Chú thích ảnh
Mô hình máy bay không người lái CH-7 trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: THX/TTXVN

Hôm 20/9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu là ông Lý Tôn Phúc (Li Shangfu), đã bị Mỹ trừng phạt vì thực hiện "các giao dịch quan trọng" với công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga. Ông Lý Tôn Phúc đã được thêm vào Danh sách Người bị Chặn, có nghĩa là bất kỳ tài sản nào của họ tại Mỹ đều bị đóng băng. Ngoài ra, EDD cũng bị từ chối giấy phép xuất khẩu và bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ. Các lệnh trừng phạt này liên quan đến việc Trung Quốc mua 10 máy bay chiến đấu SU-35 và các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nga và Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời cho rằng Washington không có quyền can thiệp vào mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh.

Bích Liên (TTXVN)
Mỹ quan ngại việc Trung Quốc triển khai khí tài quân sự tại Biển Đông
Mỹ quan ngại việc Trung Quốc triển khai khí tài quân sự tại Biển Đông

Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm mục đích "đe dọa và gây sức ép" với các nước láng giềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN