Trung Quốc đau đầu với 26 triệu tấn quần áo thải mỗi năm

Ở một đất nước sản xuất tới hơn 5 tỷ chiếc áo phông mỗi năm, mặc quần áo cũ và đồ đã qua sử dụng thường bị kỳ thị.

Chú thích ảnh
Nhân viên công ty mua bán quần áo cũ Baijingyu phân loại đồ cũ. Ảnh: Bloomberg

Anh ZhaoXiao (35 tuổi) sinh sống tại quận Dongcheng (Bắc Kinh, Trung Quốc) đang cất những bộ quần áo cũ bỏ đi vào một thùng kim loại màu xanh. Zhao hiện rất lo lắng về chuyện sẽ xảy ra với quỹ từ thiện của mình. “Nếu như người nghèo cần những bộ quần áo này, điều đó sẽ rất hữu ích và tôi không cảm thấy tội lỗi khi bỏ đi”, Zhao chia sẻ.

Theo Bloomberg, các thùng chứa quần áo cũ được đặt ở khắp các thành phố lớn tại Trung Quốc, nhưng chỉ số ít trong đó được đưa tới các tổ chức từ thiện. Một số thì được bán lại cho các quốc gia đang phát triển, số còn lại thì bị đốt hoặc chôn tại những bãi xử lý rác thải.

Ở một đất nước sản xuất tới hơn 5 tỷ áo phông mỗi năm, mặc quần áo cũ và đồ đã qua sử dụng bị kỳ thị. Hàng triệu tấn quần áo bị vứt bỏ mỗi ngày. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển kết hợp với sự bùng nổ thương mại điện tử đã khiến Trung Quốc trở thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới, soán ngôi của Mỹ vào năm ngoái. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đóng góp 1/5 doanh thu toàn cầu cho gã khổng lồ bán lẻ quần áo Nhật Bản Uniqlo. Phần lớn xu hướng mua sắm quần áo của người dân Trung Quốc là thời trang nhanh - quần áo được sản xuất hàng loạt, giá rẻ và thời gian sử dụng ngắn.

Kết quả là, theo số liệu của hãng thông tân Tân Hoa, mỗi năm Trung Quốc bỏ đi 26 triệu tấn quần áo các loại, trong đó chỉ chưa đầy 1% được tái sử dụng hoặc tái chế.

Ảnh hưởng của sự lãng phí này đối với môi trường là vô cùng to lớn. Theo Quỹ Ellen MacArthur, ngành thời trang chiếm khoảng 10% lượng carbon toàn cầu, nhiều hơn lượng khí thải được tạo ra từ tất cả các chuyến bay và phương tiện vận chuyển cộng lại. Theo ước tính, so với quần áo từ vật liệu thô, việc tái sử dụng 1kg quần áo giúp tiết kiệm 3,6kg CO2, 6.000 lít nước, 0,3 kg phân bón hóa học và 0,2 kg thuốc trừ sâu.

Chú thích ảnh
Nhân viên phân loại giày cũ tại Baijingyu. Ảnh: Bloomberg

Tại Trung Quốc, tái chế quần áo đã qua sử dụng không mang lại lợi nhuận và không được pháp luật ủng hộ. Hành vi bán quần áo đã qua sử dụng và không đưa vào mục đích từ thiện bị cấm vì lý do sức khỏe và an toàn. Ở Trung Quốc, quần áo đã qua sử dụng bị coi là không tốt cho sức khỏe và thậm chí còn đem đến xui xẻo. Đặc biệt trong năm nay, đại dịch COVID-19 càng khiến cho mọi người nghi ngại khi phải mặc lại đồ của nhau.

Một trong những lý do khác khiến người Trung Quốc không mặn mà với đồ đã sử dụng xuất phát từ thành kiến xã hội. 

Roundabout là một trong số ít các cửa hàng bán quần áo cũ tại thủ đô Bắc Kinh. “Tôi nghĩ điều này rất chính đáng, nhưng gia đình và bạn bè đều không hiểu tại sao tôi lại mua đồ cũ khi tôi đủ tiền mua các thương hiệu quốc tế. Khi mọi người nhìn thấy quần áo cũ, họ không nghĩ đến môi trường, họ nghĩ đến nghèo đói”, khách hàng Chen Wen (38 tuổi) chia sẻ.

Trung Quốc cho phép các tổ chức do chính phủ hỗ trợ thu thập và phân loại quần áo còn tốt được quyên góp, song chỉ một số ít tổ chức thực hiện. Họ cho rằng thời gian và công sức bỏ ra là không đáng tại một đất nước mà quần áo đã qua sử dụng không được ưa chuộng, ngay cả ở những vùng trong diện nghèo. 

Không tiêu thụ được trong nước, quần áo cũ nhưng chất lượng còn tốt thường được bán ra nước ngoài. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Tái chế Dệt may có trụ sở tại Anh, xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng của Trung Quốc đạt 6,4% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2015.

Nhiều lô hàng đã được gửi sang Châu Phi. Mười năm trước, Vương quốc Anh đã chuyển 1/4 quần áo đã qua sử dụng đến Kenya. Hiện nay, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với khoảng 30%, trong khi thị phần của Vương quốc Anh giảm xuống còn 17%. Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc lấy hàng từ các thùng thu gom trong các khu dân cư hay các trang thương mại điện tử như Alipay.

Trong tổng số quần áo thu gom, chỉ có 15% được đưa tới các khu vực nghèo ở Trung Quốc.

“Mọi người muốn quần áo của mình được đưa đến những gia đình Trung Quốc gặp khó khăn, nhưng điều đó không còn thực tế nữa. Nếu như trong những năm trước, mọi người có thể nhận một chiếc áo khoác mới 70%. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy rất xấu hổ ngay cả khi khoe một chiếc áo khoác mới đến 90% trước gia đình”, Jason Fang - Giám đốc điều hành công ty mua bán quần áo cũ Baijingyu có trụ sở tại Hàng Châu - cho hay. 

Cách đây không lâu, Trung Quốc là nước nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng với số lượng lớn. Ở các thành phố nhỏ ven biển như Phúc Kiến và Quảng Đông, việc phân loại và bán quần áo đã qua sử dụng từ các container vận chuyển “rác thải nước ngoài” từng là một hoạt động kinh doanh sôi nổi. Năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, bao gồm các sản phẩm dệt may, buộc các tàu hàng phải tìm kiếm các điểm đến khác ở châu Á hoặc tái chế nhiều chất thải hơn.

Các công ty khởi nghiệp cũng đang tìm những giải pháp mới để tái sử dụng quần áo cũ. Công ty Re-Clothing Bank thuê những nữ lao động tỉnh lẻ ở một ngôi làng gần Bắc Kinh cắt quần áo cũ và biến chúng thành áo khoác, túi xách và thảm nhà. Zhang Na, người sáng lập công ty, cho biết: “Một nhân viên bảo vệ trung niên ở Thượng Hải đã chi một nửa số tiền lương hàng tháng của mình để mua một chiếc áo khoác do tôi làm từ quần áo cũ. Đó là điểm khởi đầu thôi thúc tôi làm nhiều hơn”.

Tuy vậy, phần lớn quần áo đã qua sử dụng ở Trung Quốc vẫn sẽ bị vứt vào thùng rác, từ đó làm trầm trọng thêm một trong những vấn đề môi trường lớn nhất của cả nước. Hầu hết trong số 654 bãi rác của Trung Quốc đã quá tải sớm hơn dự kiến.

Một trong những cách giải quyết nhanh gọn nhất đối với vấn đề quần áo bỏ đi tại Trung Quốc là đốt chúng. Dù vậy, đây vẫn không phải là giải pháp có lợi cho môi trường. 

"Quần áo cần được thiết kế bền hơn và có thể tái chế được. Nhưng có một giải pháp đơn giản hơn rất nhiều: mọi người hãy mua ít quần áo hơn," Alan Wheeler, đại diện bộ phận dệt may tại Hiệp hội Tái chế Quốc tế, kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tương lai ngành thời trang nhanh sau 'cú sốc' COVID-19
Tương lai ngành thời trang nhanh sau 'cú sốc' COVID-19

Những con phố mua sắm ở nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến sự trở lại, dù còn chậm chạp, của những cửa hàng thời trang tên tuổi như Zara, H&M và Gap.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN