Sách Trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, theo đó, nước này đang phát triển một hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên lấy các công viên quốc gia làm trung tâm, các khu bảo tồn thiên nhiên và các công viên tự nhiên làm vùng đệm. Cho đến nay, Trung Quốc đã thành lập 5 công viên quốc gia đầu tiên để đưa vào hệ thống khu bảo tồn kiểu mới.
Sách Trắng nêu rõ Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong việc xây dựng công viên quốc gia ở những khu vực có ý nghĩa quan trọng về môi trường. Tính đến cuối năm 2021, nước này đã thành lập gần 10.000 khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiết lập các "ranh giới đỏ" để đảm bảo an ninh môi trường sinh thái quốc gia. Hơn 30% diện tích đất của Trung Quốc, bao gồm cả các khu bảo tồn được tích hợp và tối ưu hóa, hiện được bảo vệ bên trong các "ranh giới đỏ" này.
Tỷ lệ che phủ rừng và trữ lượng rừng của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng 30 năm liên tiếp, đưa nước này trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng tài nguyên rừng cao nhất và diện tích rừng nhân tạo lớn nhất.
Sách Trắng cho biết Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên ghi nhận mức suy thoái đất ròng bằng 0, các khu vực sa mạc hóa và cát hóa của nước này đều đang thu hẹp và điều này đang giúp thế giới đạt được mục tiêu toàn cầu là đưa mức suy thoái đất ròng về 0 vào năm 2030.
Cũng theo Sách Trắng, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy năng lượng xanh và ít carbon, với tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng sạch ngày càng tăng. Tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch trong tổng mức tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc đã tăng từ 14,5% năm 2012 lên 25,5% vào cuối năm 2021. Trong khi đó, tỷ trọng than giảm từ 68,5% xuống 56% trong cùng kỳ so sánh. Đến cuối năm 2021, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo là hơn 1 tỷ kilowatt, chiếm 44,8% tổng công suất lắp đặt của Trung Quốc. Công suất lắp đặt của thủy điện, năng lượng gió và năng lượng quang điện đều vượt quá 300 triệu kilowatt, tất cả đều xếp hạng cao nhất trên thế giới.
Trung Quốc cũng tăng tốc xây dựng mạng lưới giao thông xanh, trong đó ưu tiên tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng. Theo đó, nước này đã đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường sắt đặc biệt, thúc đẩy chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt và đường thủy, đồng thời khuyến khích vận tải đa phương thức. Năm 2021, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy chiếm 24,56% tổng khối lượng ở Trung Quốc, tăng 3,85 điểm phần trăm so với năm 2012.
Trung Quốc cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của các phương tiện giao thông. Sách Trắng cho biết vào cuối năm 2021, số lượng phương tiện sử dụng năng lượng mới đã đăng ký của Trung Quốc đạt 7,84 triệu chiếc, chiếm khoảng một nửa trên toàn cầu.