Trung Quốc cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19

Sau khi ghi nhận lượng lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng, Trung Quốc đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 10/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, các địa phương có số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh đã ngay lập tức tuyên bố bước vào “trạng thái thời chiến”. Các nhà chức trách căn cứ vào mức độ lây lan của dịch bệnh để điều chỉnh mức độ cảnh báo rủi ro, kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp, tiến hành khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm đại trà tại những khu vực phát hiện các ca bệnh.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thực hiện quản lý khép kín, triển khai kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào, kiểm soát đi lại của người dân tại các khu vực trọng điểm, đồng thời phong tỏa đối với các khu vực dân cư có mức độ rủi ro cao. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng đảm bảo đủ nguồn cung và ổn định giá cả các nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày cho người dân.

Thực hiện nghiêm túc kế hoạch công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Tân Sửu, các nhà chức trách Trung Quốc đã khuyến khích người dân “ai ở đâu ở đó”, hạn chế về quê. Đối với những trường hợp về quê ăn Tết, lực lượng chức năng yêu cầu chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch trong quá trình di chuyển và quy định cách ly tại địa phương. 

Các biện pháp phòng dịch khác cũng được triển khai như siết chặt quản lý đối với những người nhập cảnh, tăng cường công tác quản lý tại sân bay, ga tàu, bến xe, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch như kiểm tra thân nhiệt, quét mã sức khỏe, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp từ chối hợp tác, cố tình che giấu lịch sử tiếp xúc, đi lại qua đó đã nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chủ động phòng chống dịch.

Với các biện pháp hiệu quả nói trên, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Ngoại trừ ngày 14/2 có một ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Hà Bắc, từ ngày 7/2 đến nay, Trung Quốc đều không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến ngày 17/2, Trung Quốc đại lục xác nhận thêm 7 ca nhiễm mới và đều là các ca nhập cảnh. Cho đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 89.795 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Còn tại Hàn Quốc, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc quay trở lại ngưỡng 600 ca/ngày, cao nhất trong hơn một tháng qua, làm dấy lên những lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 17/2 cho thấy đã có thêm 621 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 590 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 84.946 ca. 

Theo nhận định của KDCA, hàng loạt vụ lây nhiễm tập thể tại các cơ sở tôn giáo, bệnh viện và nhà máy công nghiệp đã nguyên nhân chính dẫn đến số lượng ca nhiễm mới tăng trở lại và điều này cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác phòng dịch, đặc biệt sau khi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 17/2, Hàn Quốc đã xác định được 94 trường hợp nhiễm các biến thể mới từ Anh, Nam Phi và Brazil.

Phát biểu tại cuộc họp liên ngành diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun bày tỏ lo ngại về việc người dân dường như lơ là, thiếu cảnh giác đối với biến thể của virus SARS-CoV-2, với số ca mắc mới hằng ngày đã tăng lên đáng kể sau khi chính phủ nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội quy mô toàn quốc.  

Ông cho rằng việc người dân buông lỏng ý thức cảnh giác đối với đại dịch có thể so sánh với việc "đi trên lớp băng mỏng". Thủ tướng Chung Sye-kyun  nhấn mạnh đã có thông tin về việc vi phạm các biện pháp phòng dịch, chẳng hạn như không đeo khẩu trang và không tuân thủ những quy tắc phòng dịch như hạn chế khiêu vũ tại các câu lạc bộ đêm.

Thủ tướng Chung Sye-kyun cũng lưu ý thêm rằng việc chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội không đồng nghĩa với việc nới lỏng sự đề phòng của các cơ quan chức năng đối với đại dịch COVID-19 mà chủ yếu nhằm đảm bảo sinh kế của các doanh nghiệp nhỏ trong khi duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Ông một lần nữa yêu cầu người dân cần hợp tác với các biện pháp phòng dịch của chính phủ để ổn định tình hình trước thời điểm chuẩn bị thực hiện chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 dự kiến diễn ra vào ngày 26/2 tới cũng như lễ khai giảng năm học mới vào đầu tháng 3 tới.

Mạnh Cường - Anh Nguyên (TTXVN)
Người Trung Quốc tìm đến dịch vụ xét nghiệm COVID tận nhà trong dịp Tết
Người Trung Quốc tìm đến dịch vụ xét nghiệm COVID tận nhà trong dịp Tết

Xét nghiệm COVID-19 được quy định bắt buộc cho nhiều người muốn di chuyển từ các tỉnh thành lớn về vùng nông thôn. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều công ty tư nhân đã cung cấp những gói xét nghiệm tận nhà chỉ cần một cú nhấp chuột đặt hẹn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN