Trung Quốc ghi nhận​ số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong 1 tháng

Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp nhất trong 1 tháng qua, cho thấy làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 tại nước này đang dần bị đẩy lùi trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố ngày 2/2 cho thấy trong ngày 1/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận 30 ca mắc mới, giảm từ mức 42 ca ghi nhận một ngày trước đó và đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 2/1. Trong số ca mắc mới này có 18 ca là trường hợp nhập khẩu, lần đầu tiên cao hơn số ca lây nhiễm trong cộng đồng trong vòng khoảng 1 tháng. Riêng tỉnh Hắc Long Giang chiếm 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi tỉnh Cát Lâm lân cận ghi nhận 4 ca. Đến nay Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 89.594 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Sự gia tăng ca mắc COVID-19 trong tháng trước đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Trung Quốc phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2 này, khi hàng trăm triệu người về quê đón Tết. Các chính quyền địa phương nơi các ổ dịch mới bùng phát cũng đã áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng đối với thủ đô Tokyo và các khu vực khác có số ca mắc COVID-19 tiếp tục ở mức cao. Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc họp với nhóm chuyên gia. 

Thủ tướng Suga ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 11/1 và sẽ hết hạn vào ngày 7/2 tới. Lệnh này được áp dụng tại 11 tỉnh, thành của Nhật Bản bao gồm thủ đô Tokyo và thành phố Osaka.

Theo môt nguồn thạo tin, tình trạng khẩn cấp có thể tiếp tục được duy trì tại thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận gồm Kanagawa, Chiba và Saitama, cũng như Aichi, Gifu, Osaka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka tới ngày 7/3 theo một đạo luật kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, tỉnh Tochigi ở phía Bắc thủ đô Tokyo dự kiến sẽ được đưa ra khỏi danh sách do tình hình dịch bệnh cải thiện. Thay vào đó, tỉnh Okinawa có thể bị áp đặt tình trạng khẩn cấp do sự bùng phát các ca mắc COVID-19.

Trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, trong khi các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa sớm. Các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng hình thức làm việc từ xa và lượng người tham dự các sự kiện lớn bị hạn chế.

Mặc dù các biện pháp trên có phần nới lỏng hơn so với tình trạng khẩn cấp được ban bố hồi mùa Xuân năm ngoái, song phần nào đã phát huy tác dụng trong việc giảm số ca mắc. Trong ngày 1/2, thủ đô Tokyo thông báo 393 ca mắc mới, thấp nhất trong hơn 1 tháng và giảm so với mức cao nhất theo ngày từ khi dịch bùng phát là 2.447 ca. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng và tử vong do COVID-19 vẫn ở mức cao khiến các chuyên gia y tế cảnh báo sẽ phải mất nhiều thời gian trước khi tình hình được cải thiện.

* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hằng ngày tại Hàn Quốc vẫn ở ngưỡng 300 ca ngày thứ 3 liên tiếp sau khi cơ quan chức năng tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh các ổ lây nhiễm tập thể chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 2/2 cho thấy nước này có thêm 336 ca mắc COVID-19, trong đó có 295 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 78.844 ca. KCDA cho biết sẽ tính toán nới lỏng giãn cách xã hội trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nếu số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Để giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã hợp tác với Kakao Corp (ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất của Hàn Quốc) và trang công cụ tìm kiếm Daum để cung cấp thông tin về các nhà hàng đã tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng dịch. Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), dịch vụ này cung cấp các địa điểm nhà hàng luôn có nhân viên đeo khẩu trang bảo hộ và cung cấp đồ dùng riêng cho từng khách hàng. Tính đến hết năm 2020, đã có 23.467 nhà hàng trên toàn Hàn Quốc được công nhận là cơ sở an toàn. 

Trong diễn biến khác, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 2/2 đã chỉ thị chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề ngày càng khó khăn mà những người thuộc diện "dễ bị tổn thương" phải đối mặt, bao gồm các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài. Thông điệp này của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra sau khi đảng Dân chủ cầm quyền đề xuất tiến hành đợt phát tiền cứu trợ khẩn cấp thứ tư.

Phát biểu tại phiên họp nội các diễn ra ở Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ ra 3 mục tiêu chính sách chính của năm 2021 là: phục hồi, hòa nhập và hồi sinh. Tổng thống kêu gọi các quan chức chính phủ bắt đầu lại với một cách tiếp cận sáng tạo và toàn diện trong chiến dịch đối phó với đại dịch COVID-19 để chuẩn bị cho kế hoạch bắt đầu tiêm chủng sớm. Ông nhấn mạnh: "Chìa khóa để phục hồi toàn diện là vượt qua cuộc khủng hoảng việc làm. Giảm bớt khó khăn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và người kinh doanh tự do cũng là một nhiệm vụ không thể lơ là. Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập, chúng ta nên tăng cường chính sách hỗ trợ thu nhập cho những người dễ bị tổn thương".

Phương Oanh - Anh Nguyên (TTXVN)
Tổng thống Mỹ thúc đẩy gói cứu trợ 1.900 tỷ USD
Tổng thống Mỹ thúc đẩy gói cứu trợ 1.900 tỷ USD

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hy vọng rằng đề xuất về gói cứu trợ liên quan đến dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của ông có thể nhận được sự ủng hộ của hai đảng trong quốc hội, đồng thời khẳng định sẽ không chấp nhận một gói cứu trợ không giúp giải quyết được tình hình cấp bách hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN