Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Daily/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định giới chức Trung Quốc xử lý tất cả hồ sơ xin đăng ký thương hiệu "phù hợp với quy tắc và luật lệ". Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng từ chối bình luận những đồn đoán về tầm ảnh hưởng chính trị đối với việc thông qua những thương hiệu mang tên Tổng thống Trump.
Trong khi đó, ông Alan Garten, quan chức phụ trách pháp lý của Tổ chức Trump, nói rằng những thương hiệu đăng ký gần đây là kết quả của những nỗ lực "lâu dài, bền bỉ" nhằm bảo vệ thương hiệu Trump ở Trung Quốc, vốn được thực hiện trước khi ông Trump tham gia tranh chức Tổng thống Mỹ năm 2016.
Sau khi Trung Quốc quyết định tạm thời thông qua việc đăng ký đối với 38 thương hiệu mang tên Trump, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ đã lập tức phản ứng. Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow và Ben Cardin đã yêu cầu tổ chức họp báo để bày tỏ phản đối Tổng thống Trump vì những "liên quan ngày càng gia tăng" của ông Trump với Trung Quốc. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng cần tiến hành điều tra về vấn đề sở hữu trí tuệ ở nước ngoài của ông Trump.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng viết thư gửi Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi điều tra những lợi ích liên quan sở hữu trí tuệ của ông Trump ở Trung Quốc.
Trước đó, ngày 8/3 vừa qua, hãng tin AP đã công bố danh sách 49 thương hiệu mà các luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump xin giấy phép đăng ký hồi năm 2016. Ngày 22/2, Chính phủ Trung Quốc đã từ chối cấp phép đăng ký đối với 7 thương hiệu. Tuy nhiên, đến ngày 27/2 và 6/3, Bắc Kinh đã tạm thời phê duyệt 38 thương hiệu của Tổng thống Trump. Hiện vẫn còn 4 thương hiệu chưa được cấp phép đăng ký.