Tờ Times of India dẫn các nguồn tin quan chức nắm rõ diễn biến trên cho biết vào ngày 11/1. Theo nguồn tin này, mặc dù rút khoảng 10.000 quân nhưng lực lượng triển khai ở tiền tuyến của PLA vẫn không đổi. Hoạt động rút quân nói trên dường như liên quan đến điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt ở vùng núi Himalaya.
Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc rút quân phải được nhìn nhận trong bối cảnh toàn bộ các đợt triển khai quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới. Cả hai bên đã triển khai tổng cộng 100.000 binh sĩ cùng với vũ khí ở các khu vực tiền tuyến và phía sau.
“Vào mùa đông, các hoạt động quân sự quy mô lớn và cả hoạt động quy mô giới hạn, đều bị loại trừ. Đó có thể là lý do tại sao PLA rút quân khỏi các vùng sâu”, cựu chỉ huy Quân đoàn Miền Bắc của Ấn Độ, Trung tướng DS Hooda nhận định.
Một quan chức khác cho biết, hoạt động cắt giảm quân đã diễn ra trong tuần trước. Trong khi đó, quân đội Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Ladakh vì không loại trừ việc PLA tái triển khi binh sĩ trong khu vực.
Bế tắc ở Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bước sang tháng thứ 9, trong bối cảnh các binh sĩ chiếm giữ các cứ điểm đang phải hứng chịu điều kiện cực kỳ thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao Himalaya. Quân đội hai nước cho đến nay đã tổ chức 8 vòng đàm phán quân sự, vòng đối thoại thứ 9 ở cấp tư lệnh quân đoàn đã bị trì hoãn và chưa được định ngày tổ chức.
Tờ Economics Times dẫn nhận định của giới chức Ấn Độ cho biết, tình trạng cảnh giác cao độ vẫn duy trì ở biên giới vì PLA có khả năng nhanh chóng triển khai binh lính, nhờ cơ sở hạ tầng được phát triển mạnh ở Tây Tạng. Các quan chức này cũng nói rằng cả hai bên đang duy trì quân số ở tất cả các điểm chớp nhoáng, đặc biệt là dọc theo Hồ Pangong. Ấn Độ đã chiếm các vị trí quan trọng dọc theo bờ Nam của hồ vào cuối tháng 8/2020 để ngăn cản Trung Quốc xây dựng trong khu vực.
Các nguồn tin cũng nói rằng việc Trung Quốc rút quân là cần thiết vì việc duy trì hơn 50.000 quân ở các cao điểm ngập tuyết là không thể được. Tuy nhiên, tình hình dọc biên giới vẫn căng thẳng do cả hai bên đã chuẩn bị sẵn sàng xe tăng, pháo và các xe thiết giáp chở quân.
“Khu vực này đang chứng kiến nhiệt độ xuống dưới - 40 độ. Trong điều kiện như vậy, hầu như không có phạm vi cho các cuộc diễn tập quân sự vì ngay cả thiết bị cũng không hoạt động được”, các quan chức Ấn Độ cho biết.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.500 km chưa được phân định và còn tranh chấp, được biết đến với tên gọi Đường kiểm soát thực tế (LAC), kéo dài từ vùng Ladakh ở phía Bắc tới bang Sikkim của Ấn Độ.
Hai nước từng xảy ra chiến tranh biên giới năm 1962, chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn mong manh. Kể từ đó, quân đội hai bên đã tiến hành tuần tra và canh gác khu vực biên giới chưa được phân định này, theo các thỏa thuận được hai nước nhất trí, bao gồm việc không bắn súng vào nhau.
Kể từ tháng 4/2020, Ấn Độ và Trung Quốc đã triển khai 50.000 quân mỗi bên ở biên giới Ladakh.
Trong bối cảnh tình hình thực địa ở Ladakh không có thay đổi, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng, Tướng Bipin Rawat ngày 11/1 đã tới Leh để thị sát tình hình an ninh tại khu vực nhạy cảm này. Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ, Nguyên soái Bhadauria cũng đến thăm các khu vực tiền phương ở phía đông Ladakh cùng ngày.